📞

Grammy - Những chuyện hậu trường ít người biết

15:40 | 13/02/2017
Việc tổ chức sự kiện cho một giải thưởng lớn như Grammy không phải chuyện dễ dàng. Đằng sau những buổi lễ long trọng, lộng lẫy mà khán giả xem được là những nỗ lực không nhỏ của ban tổ chức.

Bạn sẽ làm gì khi The Beatles gọi điện vào Giáng sinh để thảo luận về danh sách các ca khúc trình diễn? Hay lúc chương trình đang có hàng triệu người xem thì không thấy nghệ sĩ chính ở đâu? Hoặc đơn giản là chuyện hai ngôi sao lớn không thích ngồi cạnh nhau?

Ken Ehrlich và Jack Sussman là những người đã trải qua và phải xoay xở tìm biện pháp cho tất cả những tình huống đó. Họ đã cùng nhau sản xuất lễ trao giải Grammy từ năm 1980, giúp bữa tiệc "đầy sao" này trở thành sự kiện thú vị và bất ngờ nhất làng âm nhạc thế giới. Jack Sussman cho biết: “Đây là chương trình âm nhạc lớn nhất hành tinh và thách thức lớn nhất của chúng tôi là: Làm thế nào để nó tiếp tục dẫn đầu về số khán giả như năm ngoái?”

Ken Ehrlich và Jack Sussman. (Nguồn: People)

Lên danh sách các nghệ sĩ tham dự

Lập được danh sách biểu diễn trong lễ trao giải Grammy hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Ken Ehrlich đã phải lên kế hoạch từ tháng 9/2016 bằng việc tạm lập ra danh sách 10 nghệ sĩ mà ông muốn có trong chương trình. Vấn đề là ở chỗ cũng như những người khác, các nhà tổ chức không biết trước ai được đề cử và ai sẽ chiến thắng. Thêm vào đó, theo quy định của Viện Thu âm nghệ thuật và khoa học Mỹ, nhà tổ chức không được phép đặt show nghệ sĩ trước khi có công bố đề cử. Thế nên, mọi việc chỉ thật sự bắt đầu khi có danh sách đề cử vào tuần đầu tháng 12. Và đó quả là một cuộc chạy đua với thời gian.

Cộng đồng nghệ sĩ thường sẽ đi nghỉ lễ cuối năm từ 15/12 và phải tới 5/1 mới trở lại sàn diễn. Do đó, ông Ehrlich phải nỗ lực đặt show được ít nhất 10 người trong ít ngày tháng 12. Hầu hết các nghệ sĩ đều muốn góp mặt trong đêm trao giải Grammy nhưng đôi khi họ cũng có việc bận. Ví dụ như năm nay, ông Ehrlich rất muốn có Drake nhưng anh lại bận diễn ở châu Âu vào thời điểm đó.

Sau khi đã lên được danh sách ca sĩ biểu diễn, trong những tuần tiếp theo, Ken Ehrlich và Jack Sussman lại bắt đầu cuộc đua sáng tạo để mang tới chương trình hấp dẫn, hoành tráng nhất có thể. Bên cạnh đó, họ cũng phải cập nhật liên tục những thông tin ngoài lề như những nghệ sĩ nào đang "đấu đá" nhau, ai không ưa ai… để sắp xếp thứ tự biểu diễn, cũng như chỗ ngồi cho hợp lý.

Nhiều tình huống bất ngờ

Trong gần 40 năm tổ chức Grammy, ông Ehrlich đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc không thể quên. Đó có thể là những giây phút xúc động khi nghệ thuật thăng hoa, lại cũng có thể là lo lắng vô cùng khi chương trình không diễn ra theo kế hoạch.

Những màn biểu diễn tuyệt vời có thể kể tới như khi John Legend mộc mạc chơi piano và hát "All Of Me" cho tình yêu của anh - Chrissy Teigen - ngồi dưới khán đài năm 2014; là màn song ca hiếm có giữa Prince và Beyonce năm 2004, của Eminem và Elton John năm 2001; là khi Macklemore, Ryan Lewis, Mary Lambert và Madonna cùng hát "Same Love" năm 2014 để tổ chức đám cưới tập thể cho 28 cặp đôi đồng tính và dị tính.

Màn song ca hiếm có giữa Prince và Beyonce năm 2004, của Eminem và Elton John năm 2001. (Nguồn: Getty Images)

“Tai nạn” đáng kể nhất là vào năm ngoái, khi chương trình phải cơ cấu lại 45 phút đầu lễ trao giải khi Rihanna đột ngột bỏ diễn, Lauryn Hill cũng quyết định hủy dù màn song ca với The Weeknd chỉ còn vài phút nữa là lên sóng, hay sự cố âm thanh trong màn biểu diễn của Adele và Justin Bieber. Rất may mắn, bên cạnh Ken Ehrlich và Jack Sussman là một đội ngũ tuyệt vời, kịp thời xoay chuyển tình thế.

Đôi khi, những tình huống không ai ngờ tới đã lại mang tới sự sâu sắc cho chương trình. Đó là khi Whitney Houston qua đời khi chỉ chưa đầy 12 tiếng nữa là bắt đầu Grammy 2012. Và chỉ trong thời gian ít ỏi, Ehrlich và Sussman đã biến chuyển hầu như toàn bộ kịch bản, xây dựng nên một chương trình kỷ niệm xứng đáng với tầm vóc của diva này.

Riêng Grammy năm nay, theo tiết lộ của trang mạng "Insider", mỗi vị khách tới tham dự lễ trao giải sẽ nhận được một túi quà với trị giá lên tới 30.000 USD, với bên trong là kha khá những món đồ xa xỉ, thú vị và cả... kì quặc, như một chiếc yếm ăn cho người lớn, bộ đồ chơi Toilet Trouble, voucher ăn pizza của nhà hàng D'Amore's Famous Pizza, một bộ chì 64 màu Crayola, đệm massage, dây buộc tóc, hay bộ dụng cụ tập thể dục. Món quà đắt giá nhất là chuyến nghỉ dưỡng một tuần tại Spa Golden ở miền Nam California (8.850 USD).

(theo The People)