📞

GS Trần Văn Thọ: Khi trái tim thuộc về hai đất nước

14:19 | 22/09/2018
Với GS Trần Văn Thọ, mỗi lần từ Tokyo về Hà Nội, ông nói “tôi về Hà Nội” như là về quê mình, nhưng từ Hà Nội trở lại Tokyo, ông cũng nói “tôi về Tokyo” vì ở đó có nhà và nơi ông đã học tập, làm việc nửa thế kỷ...

Giữa tháng 8 vừa qua, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã chủ trì một buổi lễ chúc mừng GS. Trần Văn Thọ, người mới được Nhật Hoàng trao tặng "Huân chương Thụy bảo Tia vàng với hình hoa hồng" (The Order of the Sacred Treasure, Gold Rays with Rosette). Ông được tặng Huân chương vì đóng góp vào sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam và thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật Bản tại Việt Nam.

Du học mang theo tâm tình Việt Nam

GS. Trần Văn Thọ sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo miền Trung. Trong điều kiện còn chiến tranh và khó khăn nhiều mặt, thời đó một học sinh ở nông thôn miền Trung mà học được hết bậc Tú Tài (tức cấp III ngày nay) và vào được Sài Gòn để vừa đi làm vừa học đại học là rất may mắn rồi.

GS. Trần Văn Thọ chụp ảnh tại buổi lễ chúc mừng của Đại sứ Umeda Kunio. (Nguồn: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam)

Mới ở Sài Gòn vài ba tháng, ông bắt gặp một cơ may định mệnh khi ngẫu nhiên đọc được thông báo của Đại sứ quán Nhật về việc tuyển sinh du học với học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Và rồi, cuộc đời ông đã bước sang một bước ngoặt lớn mà trước đây ông chưa bao giờ mơ tới.

Sang Nhật du học từ năm 1968, ban đầu ông dự định học xong đại học hay nhiều lắm là xong bậc tiến sĩ sẽ về nước. Nhưng rồi, ông đã ở lại Nhật Bản cho đến ngày nay vì nhận thấy lại có thêm một đất nước để yêu mến. Ngay cả người bạn đời của ông, dù là người Việt Nam nhưng cũng yêu mến Nhật Bản, yêu thích văn học Nhật Bản, đã và đang dịch nhiều tiểu thuyết, truyện ký Nhật Bản sang tiếng Việt.

GS. Trần Văn Thọ tâm sự chân tình rằng hồi còn trẻ tuổi ở Việt Nam, vì hoàn cảnh bận rộn vừa đi làm vừa đi học nên ý thức về đất nước trong ông hầu như rất ít. Tuy nhiên, khi rời xa quê hương, tự nhiên ông rất nhớ và suy nghĩ nhiều về đất nước mình. Ông đã mang theo tâm tình, suy nghĩ về Việt Nam ảnh hưởng chủ yếu qua sách vở về lịch sử, về văn học, về âm nhạc.

Luôn có hai quê hương để trở về

Đó chính là niềm hạnh phúc của GS Trần Văn Thọ và trong lòng ông luôn cảm tạ người thân, bạn bè đã mang lại những cơ duyên đi - về giữa hai đất nước. Cũng vì niềm hạnh phúc đó, trong quá trình sống và làm việc tại Nhật Bản, ông đã hết mình vì lợi ích của cả hai dân tộc.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi (Tokyo), ông Trần Văn Thọ vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm Phó Giáo sư và trở thành Giáo sư Đại học Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông là Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo) và tiến hành nhiều nghiên cứu về kinh nghiệm công nghiệp hóa của Nhật Bản, chủ yếu là giai đoạn sau chiến tranh.

Là nhà kinh tế học, GS. Trần Văn Thọ đã có những đóng góp to lớn, nổi bật cho Nhật Bản và góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 50 năm qua. Tại Nhật Bản, trên cương vị là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản trong gần 10 năm, ông đã đưa ra những đề xuất về chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản.

GS. Trần Văn Thọ còn là người khởi xướng và vận động thành lập “Trung tâm kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm thúc đẩy giao lưu nghiên cứu giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước trong khu vực. Ông đã nhận trách nhiệm vận động các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần to lớn cho việc thành lập Trung tâm này vào năm 1993. Kể từ đó, ông đã tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Trung tâm này với các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản.

Không chỉ vậy, ông đã thành lập “Viện nghiên cứu tổng hợp về Việt Nam” thuộc Đại học Waseda. Với vai trò là Viện trưởng, ông đã xây dựng nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế Đông Á, phát triển khu vực Mekong… và phát triển nguồn nhân lực Nhật – Việt.

Hiện nay, GS. Trần Văn Thọ trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Nhật và tiếng Anh cũng như hướng dẫn sinh viên viết luận văn tại Đại học Waseda. Ông không chỉ có các sinh viên Nhật Bản mà còn rất nhiều du học sinh đến từ các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Từng tham gia Tổ tư vấn kinh tế và Ban nghiên cứu chính sách thời kỳ các cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, từ tháng 7/2017 ông tiếp tục tham gia vào Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nổi lên trong câu chuyện về cuộc đời ông là tấm lòng của ông dành cho quê hương và đây cũng là lý do vì sao định cư ở Nhật Bản đã 50 năm, ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.