TIN LIÊN QUAN | |
Đức quan tâm theo dõi và quan ngại tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông | |
Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông: Nước cờ mở màn cho một chiến dịch dài hơi? |
Tàu chiến Australia tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản ở Biển Philippines. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Australia) |
Phái đoàn Thường trực Australia tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm số 20/026 đề ngày 23/7 lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lập trường về 05 công hàm ngày 12/12/2019, 23/3, 17/4, 02/6, 18/6/2020 của Trung Quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc liên quan đến Báo cáo ranh giới thềm lục địa của Malaysia.
Tại công hàm số 20/026, Australia khẳng định phản đối bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS 1982 như yêu sách về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại các thực thể biển.
Australia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với “quyền lịch sử” hoặc “quyền và lợi ích biển” được xác định dựa trên “thực tiễn lịch sử lâu đời” ở Biển Đông; khẳng định Phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông năm 2016 đã kết luận những yêu sách này là không phù hợp với UNCLOS 1982, và do vậy, không có giá trị pháp lý.
Australia cũng khẳng định quan điểm cho rằng không có "cơ sở pháp lý nào" để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các thực thể xa xôi nhất ở Biển Đông, như yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc; phản đối yêu sách vùng biển của Trung Quốc dành cho các thực thể nhân tạo ở Biển Đông.
Công hàm nêu rõ, không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa “được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế”.
Liên quan đến Phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông, Australia phản đối tuyên bố của Trung Quốc về việc nước này không bị ràng buộc bởi Phán quyết, và cho rằng Phán quyết là cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên.
Australia cũng kêu gọi các quốc gia tranh chấp tại Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, làm rõ yêu sách biển của mình và giải quyết tranh chấp một cách hoà bình thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Australia đệ công hàm lên Liên hợp quốc 10 ngày sau Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Biển Đông, trong đó nêu rõ, yêu sách của Bắc Kinh đối với lãnh thổ và các nguồn tài nguyên ở Biển Đông là bất hợp pháp - động thái rõ ràng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các quốc Đông Nam Á trước yêu sách của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông trên cơ sở cái gọi là đường 9 đoạn.
Trước đó, hãng tin ABC của Australia ngày 22/7 đưa tin 5 tàu chiến của Australia đi qua gần khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và hiện đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Philippines cùng với hải quân Mỹ và Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng an ninh trong khu vực với Trung Quốc.
Hải quân ba nước tiến hành các cuộc tập trận khác nhau nhằm nâng cao khả năng tương tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hoạt động diễn tập diễn ra cùng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Mỹ sẽ đẩy mạnh các thách thức đối với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực.
Nhóm công tác chung của Australia, do tàu HMAS Canberra dẫn đầu, đã tham gia cùng nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và một tàu khu trục Nhật Bản trong môt cuộc "tập trận ba bên" để chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn hơn ở Hawaii - Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Đầu tháng này, nhóm công tác chung của Australia đã rời cảng Darwin, Bắc Australia để triển khai đến khu vực Đông Nam Á và sau đó sẽ tới Hawaii để tham gia RIMPAC bắt đầu từ trung tuần tháng 8/2020.
| Các nước nói gì trước tuyên bố của Mỹ về Biển Đông? TGVN. Tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu lập trường của Mỹ về Biển Đông ngay lập tức thu hút sự chú ý ... |
| Giữa lúc Washington thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói ‘có kế hoạch’ thăm Trung Quốc TGVN. Ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay, ông có kế hoạch thăm Trung Quốc trong năm nay. |
| Hội nghị SOM ARF: Việt Nam đề nghị các nước ủng hộ lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông TGVN. Trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 21/7 đã diễn ra Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN ... |