Nhà báo trẻ sống vào đầu thế kỷ trước từng vì tình yêu và danh vọng đời thường mà du hành đến Nam Mỹ, cuối cùng lại tìm được chân giá trị con người trước thiên nhiên huyền bí mà bao dung.
Theo dấu chân giả tưởng
Thiên du ký giả tưởng li kỳ của Ngài Arthur Conan Doyle - nổi tiếng nhờ loạt truyện thám tử Sherlock Holmes - đã truyền cảm hứng về sự sống bất diệt từ cuộc phiêu lưu của Malone, vị giáo sư kỳ quặc Challenger và nhà thám hiểm Roxton; những cuộc chạm trán khốc liệt của họ với các bộ tộc và sinh vật thời tiền sử. Độc giả nhiều thế hệ đọc Conan Doyle, mê say hình ảnh rừng thiêng nước độc ở Tân lục địa mà ước ao lên đường.
Song chính Conan Doyle chưa từng tới Nam Mỹ, ông chỉ dựa vào chuyện thật của người khác. Malone ngoài đời là nhà báo Edmund D. Morel, người phản kháng chủ nghĩa thực dân tàn nhẫn tồn tại mấy trăm năm trước Thế chiến thứ Nhất, khi các cường quốc châu Âu vơ vét từ thuộc địa khoáng sản, cao su và đường mía quí hơn mạng dân bản xứ để đổi lại toàn súng đạn hay xiềng xích. Những khám phá vạn vật học kỳ thú phỏng theo ghi chép thực địa của các nhà tự nhiên học, được lồng vào câu chuyện đấu tranh giải phóng nô lệ đầy bi tráng ở Caribe và Nam Mỹ, đã hấp dẫn người đọc bởi giá trị nhân văn sâu đậm. Sau Conan Doyle, nhiều địa danh được gọi là thế giới bị lạc mất, thậm chí các chuyến du hành tới Nam Mỹ được cho là “lần theo dấu chân Conan Doyle”.
Ngược dòng hải dương
Tháng 8/2018, tôi theo chiếc catamaran có cái tên vui nhộn “La Mischief” vượt 340 hải lý từ Tobago tới Guyana - một góc thế giới bị lạc mất của Conan Doyle ở Đông Nam biển Caribe. Lòng tự hào ngấm ngầm rằng mình còn oai hơn cả Conan Doyle.
Thời nay, từ các đảo quốc lân cận, chỉ cần hơn nửa tiếng là có thể bay tới đất nước nhỏ thứ ba Nam Mỹ nằm ở cực Bắc rừng mưa Amazon này. Song, giương buồm tới đây không hề đơn giản, thời tiết đầu mùa bão càng khó đoán định; hay theo dân đi biển kỳ cựu tàu nhỏ ít chịu bơi ngược dòng tới đây. Sáng sớm một ngày hè oi ả, La Mischief dài non 13 mét đơn thương lao mình ra biển lớn. Khi thuyền trưởng người Australia và hai thuyền viên người Mỹ mải dò hải đồ để tránh giông bão và các chướng ngại vật, tôi mải vật lộn với cơn say sóng dữ dội nhất trong đời.
Nôn nao co thắt cùng cực, không thiết gì ăn uống ngắm cảnh, tưởng tận thế đến nơi. Hai mắt nhắm nghiền nằm co ro nghe sóng đập lồng lộn vào thành tàu, ngỡ đêm dài vô tận. Tới ngày thứ ba mới hé mắt, trời vừa hửng. Nhìn mảnh trăng non lấp ló trong mây, thấy mình giống Malone ngây thơ nhưng quả cảm.
Thật trùng hợp là nguyên mẫu Morel của chàng cũng từng vượt biển trên một con tàu tên Mischief. Gượng dậy chơi với một chú chim đi lạc, đang kiếm mồi trên boong thì tàu nhổ neo. Chú buồn bã ngơ ngác không màng tới li nước ngọt và đĩa vụn bánh thơm phức, phải chăng đang nhớ bạn đời ở lại đất liền? Hay chú giống Malone, liều mình viễn du mong làm vừa lòng người đẹp Gladys?
Tôi cứ thế lơ mơ trong ánh bình minh lấp loáng theo từng đàn cá bay, thầm nghĩ nàng ta quả là dại dột; sao không theo Malone lênh đênh khắp chốn? Say sóng là thế, qua cơn lại tỉnh như sáo, quên hẳn lúc mê man. Biển êm dần, đang xanh màu ngọc bích bỗng ngả màu socola. Thuyền trưởng bảo tàu đã đi vào cửa sông Essequibo, có lưu vực rộng nhất Guyana. Hành trình thuận hơn dự kiến, gió thổi chừng 15 km/h theo hướng căng buồm.
Sông Essequibo dài trên ngàn cây số bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc Brazil chảy về hướng Bắc, ngược với hướng triều dâng từ Đại Tây Dương. Suốt chặng đường gần 50 km từ cửa biển đến bãi ngầm thả neo ở thị trấn Bartica, mặt nước im ắng trong khi gió thổi mạnh 30 km/h. Dân sành biển ai cũng biết hiện tượng triều ngưng (slack tide). Nước đục lờ bí hiểm, nâu sẫm như màu đất, rất khó dò độ sâu. Con tàu như ngôi nhà lượn quanh mỏ neo theo gió cuốn. Trí não nở ra tựa cánh buồm no gió, thấm thía cảm giác được sống trong không gian đa chiều.
Tác giả trên chiếc La Mischief vượt 340 hải lý từ Tobago tới Guyana. (Ảnh: Tác giả cung cấp) |
Câu hát buồn trên sông
Khi bốn “thủy thủ” bơi thuyền nhỏ vào thị trấn Bartica làm thủ tục nhập cảnh, nắng quái dần tắt trên cầu tàu gỗ sơ sài, hắt lên những mạn thuyền sặc sỡ như màu cờ Guyana. La Mischief trắng muốt nổi bật giữa dòng, dân thị trấn trầm trồ: “Từ đầu năm tàu của các bạn là chiếc đầu tiên thả neo ở đây đấy!”. Sĩ quan nhập cảnh trẻ măng không hề liếc nhìn tờ đơn xin visa tại chỗ của tôi, vừa đóng dấu thị thực vừa tươi cười bảo: “Chị là người Việt Nam đầu tiên em gặp!”. Đĩnh đạc dạo qua những con phố nóng nực tràn ngập hàng ngoại, tôi vui vẻ chào nam thanh nữ tú, ai ai cũng nước da bánh mật và nụ cười sáng lóa: “Hello, tôi là người Việt Nam!”.
Vài cô cậu đang tình tự bên dòng kênh tắc nghẽn túi nilon và vỏ chai nước ngọt còn lo vớt vát: “Xin lỗi, chúng tôi đang khắc phục tình trạng này”. Dân số Guyana chưa tới một triệu mà diện tích bằng hai phần ba Việt Nam; dường như người nào trong thị trấn bé xíu này cũng đều quen mặt nhau. Ngay ở những nơi đông đúc như chợ, quán bia, bãi tắm hay bến taxi nước, ai ai cũng hành xử văn minh, trẻ con luôn khoanh tay chào lễ phép.
Trở về La Mischief khi mặt trời đang lặn, muôn ánh chiều rọi sáng đường chân trời, chớp lóe liên hồi chào đón khách quí tới “miền đất của nhiều dòng nước” (Guyana theo thổ ngữ Amerindian). Bức tranh hoàng hôn đẹp nao lòng. Có chiếc ca-nô lướt qua đúng lúc những giọt mưa giông đầu tiên rơi, buông lại một câu jazz khắc khoải: “Xin đừng lôi tình yêu ra dọa tôi em hỡi, nào ta cùng dạo bước dưới mưa.”*
Vài hôm sau mới biết người hát trên thuyền là Joyce Davis, nữ ca sĩ nghiệp dư da đen gốc Chicago, người Mỹ duy nhất sống ven sông. Từ đầu thập kỷ 1990, bà cùng chồng quá cố David, một nhà truyền hình Mỹ da trắng, dong buồm lưu diễn quanh các hòn đảo Caribe rồi chọn mỏm lục địa hẻo lánh này làm nơi ở.
Có phải vì Guyana là nước nói tiếng Anh duy nhất ở Nam Mỹ; hay vì thiên nhiên hoang sơ nhiều sông thác chim thú và rừng nguyên sinh; hay vì đời sống ôn hòa êm ả? David đột ngột qua đời 11 năm trước, để lại góa phụ buồn trong căn nhà gỗ xinh đẹp kiểu Trung Tây nước Mỹ, cô đơn giữa rừng đước uốn mình trên cát mịn. “Lâu lắm rồi mới có dịp hát cho ai đó”, Joyce rơm rớm. “Tôi thích jazz vì lối phá cách chệch tông lỡ nhịp. Đời cũng thế, đôi khi cần lạc hướng ngược dòng”.
Quí hiếm hơn kim cương
Nước sạch khan hiếm nên Joyce và phụ tá Terry chắt chiu hứng và trữ nước mưa trong các bể chứa bằng inox. Nấu nướng tắm rửa giặt giũ đều phải tiết kiệm. Sau cơn giông chào mừng, La Mischief sống những ngày khô khát; máy làm nước ngọt trên tàu chỉ lọc nước biển, mưa thì lác đác từng cơn nhỏ. Tôi dần quen tắm gội trên sông, tự nhủ lá cây mục làm nước có màu nâu dù sao cũng là chất hữu cơ không nguy hại gì. Chỉ cần đề phòng cá sấu con bơi giữa dòng. Nghe nói sáng sớm đi trong rừng mưa có thể lượm được kim cương. Chẳng lẽ ở đây nước sạch hiếm hơn kim cương?!
Hai tuần sống trên dòng Essequibo ngập tràn kỷ niệm. Nào chuyến bay tới Kaieteur, thác đơn lớn nhất thế giới giữa rừng Amazon, chuyến ra đảo gặp chú cu-li lười lẫm và đàn dơi ồn ào; nào hổ báo lợn biển hươu nai khỉ sóc công quạ rùa rắn thằn lằn trong vườn thú. Rồi tiếng chuông nhà thờ St. George ở thủ đô Georgetown hay tháp đồng hồ trước chợ Stabroek; cả ly Pina Colada uống vội ở khách sạn Cara Lodge, nơi vua Edward VIII đã từng ở, thời chưa gặp quí bà Wallis Simpson.
Chúng tôi chưa kịp trèo lên núi Roraima thấp thoáng trong truyện của Conan Doyle, cũng không may mắn như Roxton vớ được kim cương. Của báu mang về là những ký ức vô giá. Trong “Thế giới bị lạc mất”, Gladys tẻ nhạt cuối cùng vẫn từ chối lời cầu hôn của Malone. Nàng đã để vuột mất kim cương và món quí hiếm hơn - tâm hồn giàu nắng gió Nam Mỹ của chàng .
Lã Hoa
* “Don’t threaten me with love, baby. Let’s just go walking in the rain” - Stormy Weather, Billie Holiday