Trang tin Benarnews đưa tin, trong văn kiện chính sách mới phác thảo mang tên “Tầm nhìn Hà Lan” về chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Hà Lan kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ hơn về những vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Văn kiện chính sách mới này ghi rõ: “EU nên tìm kiếm hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo tự do qua lại và an toàn hàng hải. Trong bối cảnh đó, EU phải thể hiện một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn về những diễn biến ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”.
Hà Lan cũng nêu ra những mỗi quan ngại ở Biển Đông, trong đó có sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng đi qua vùng biển này.
Trong văn kiện, Hà Lan kêu gọi không để Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành "một cuộc chơi giữa các cường quốc".
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok trong một cuộc họp báo chung ngày 19/6/2019 tại Bắc Kinh. (Ảnh:Benarnews) |
Hà Lan cũng đề xuất trao cho EU vai trò cố vấn hoặc quan sát viên trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Hà Lan là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu của EU sang các nước ASEAN, sau Đức.Báo cáo ghi nhận 22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Lan đến từ các nước châu Á.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì Hoà bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức tại Hà Nội từ ngày 16-17/11/2020, các diễn giả châu Âu khẳng định việc EU quan tâm và hiện diện nhiều hơn ở châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng trong thời gian gần đây thông qua tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước Đông Nam Á vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, học giả Trung Quốc lại cho rằng sự “can thiệp” của các nước châu Âu không phải là nước ven Biển Đông lại có thể khiến tình hình phức tạp hơn.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo trên, Cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại Liên minh châu ÂU (EEAS), Chuẩn đô đốc Juergen Ehle cho biết an ninh an toàn, tự do hàng hải là quan tâm tối thượng của châu Âu. EU không muốn các hành động bất hợp pháp ở Biển Đông tạo tiền lệ xấu đối với các vùng biển gần châu Âu như Biển Arctic hay Biển Azov.
Theo Chuẩn đô đốc Juergen Ehle, EU đề cao tính phổ quát và nhất quán của Công ước Luật biển, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. EU ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nếu kết quả thương lượng công bằng, hợp lý, trên cơ sở hài hoà lợi ích của tất cả các bên liên quan.