Các lực lượng và nhân dân TP. Hạ Long chung tay dọn dẹp nhà cửa và đường phố sau bão Yagi. (Nguồn: Thành ủy Hạ Long) |
Ngày 9/9, Thường trực Thành ủy Hạ Long tổ chức họp để nghe báo cáo về kết quả công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị, xã, phường đã báo cáo, làm rõ thêm những thiệt hại cũng như những tồn tại, khó khăn, tiếp tục đề xuất các giải pháp để sớm khắc phục hậu quả của cơn bão.
Bão số 3 Yagi là cơn mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Dù đã chủ động hàng loạt các giải pháp ứng phó, nhưng với sức tàn phá quá lớn, TP. Hạ Long đã trở thành một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất toàn tỉnh.
Tính đến 7h sáng ngày 9/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận có thương vong về người khi có 4 người tử vong và hàng trăm người bị thương. Các lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công 78 người gặp nạn trên các xà lan, tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long.
Hiện còn lại 8 người đang mất tích, chưa tìm thấy; 23 tàu, 28 tàu cá, 15 tàu vận tải, 30 lồng bè bị hư hại; trên 550 nhà xưởng của tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề; trên 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà cửa (tôc mái, vỡ kính, đô sập...); trên 530 trụ sở cơ quan, đơn vị của tỉnh đóng chân trên địa bàn, trụ sở của thành phố, xã phường bị thiệt hại; 225/243 nhà văn hóa thôn khu và một số công trình công cộng bị thiệt hại; 79/119 trường học, cơ sở giáo dục thường xuyên bị thiệt hại nặng, cần khắc phục sớm; trên 115 khách sạn, chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng; trên 90% hệ thống biển hiệu, pano áp phích, quảng cáo... bị hư hại.
Ước tính trên 100.000 cây xanh trên các tuyến đường, trong khu dân cư bị gãy đổ, trong đó có trên 14.000 (80%) cây xanh do thành phố đầu tư; gần 350 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng chục nghìn cây ăn quả của hộ dân bị gãy, đổ; trên 2.500 ha keo bị gẫy đổ trên địa bàn.
Thành phố đã tổ chức thăm hỏi và trao kinh phí mức 25 triệu đồng/người tử vong, 5 triệu đồng/người bị thương, hỗ trợ kinh phí cho 43 thuyền viên bị nạn trên biển (với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/thuyền viên).
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Nguồn: Thành ủy Hạ Long) |
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long nhấn mạnh, hậu quả của cơn bão gây ra cho thành phố là rất nặng nề và nhiệm vụ quan trọng. Do đó việc khắc phục hậu quả của cơn bão để đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp quay trở lại bình thường sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố trong thời điểm này. Vì vậy toàn thành phố sẽ phải huy động tổng lực để trong thời gian sớm nhất Hạ Long sẽ lấy lại hình ảnh của thành phố di sản, thành phố du lịch và củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố để nghị thành phố phát động chiến dịch khắc phục cơn bão số 3.
Đây sẽ là chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đỗ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ. Các đồng chí trong Ban thường vụ Thành ủy và UBND sẽ chịu trách nhiệm đối với từng địa bàn được phân công .
Để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, thành phố sẽ phát huy mô hình của trên 200 tổ tình nguyện các thôn, khu và huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, để mỗi người dân cũng là một chiến sĩ. Đồng thời, UBND xã, phường phải nhanh chóng rà soát lại nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn quản lý; rà soát tổng thể thiệt hại của nhân dân; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.
Các đơn vị tổ chức phối hợp chặt chẽ với ngành điện, nước, viễn thông để đảm bảo sinh hoạt, thông tin liên lạc và có các giải pháp cho học sinh các cấp quay trở lại trường học trong thời gian sớm nhất; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhất là những việc làm tình nghĩa, những tấm lòng vàng trong cơn bão để khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình của nhân dân.
Đối với việc tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình có người chết, người bị thương, thiệt hại nặng về tài sản và gia đình neo đơn, khó khăn, bên cạnh trách nhiệm của thành phố cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức cá nhân.
Về phương án lâu dài, cần báo cáo tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù cho TP. Hạ Long để triển khai công tác chỉnh trang, kiến thiết lại thành phố. Đồng thời cần phải đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án neo tránh trú bão trên Vịnh; xây dựng hạ tầng khu neo đậu tàu thuyền tại khu vực Cái Xà Cong (phường Hà Phong); rà soát lại số lượng, chất lượng các tàu cá, tàu du lịch, những vị trí đê điều, sông hồ có nguy cơ ngập úng; xây dựng phương án tổng thể về cấp thoát nước đô thị và cây xanh, bóng mát trên cơ sở có xin ý kiến chuyên gia và nhân dân. Đối với 5 chung cư cấp D, các phòng ban chức năng xây dựng ngay phương án xử lý, di dời, hỗ trợ cho người dân.
Các lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa. (Nguồn: Thành ủy Hạ Long) |
Khẩn trương, rà soát thống kê tổng thể thiệt hại, xây dựng phương án khắc phục hậu quả và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại nặng; tập trung chỉnh trang đô thị, tận dụng tối đa hệ thống cây xanh, tài sản, công trình còn giá trị sử dụng sau mưa bão, tránh lãng phí.
Tiếp tục triển khai rà soát các công trình đã bị tác động có nguy cơ tiếp tuc gây tai nạn, thương tích và có biện pháp xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân.
Ban quản lý các dịch vụ công ích phối hợp với Ban quản lý vịnh Hạ Long tổ chức thu gom rác thải phát sinh sau bão tại khu vực ven bờ và trên biển. Đối với công tác dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường, với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực hiện cả ngày lẫn đêm chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 12/9.
Với tinh thần vượt lên sau bão, hơn lúc nào hết Thành phố kêu gọi toàn thể người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay khắc phục thiệt hại tại gia đình, trụ sở cơ quan, đơn vị và tổ dân, khu phố để nhân thêm tình yêu, xây dựng thành phố Hạ Long.
| Bắc Ninh kịp thời khắc phục hậu quả siêu bão Yagi Trước và sau cơn bão số 3, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Đoàn ... |
| Lũ lụt ở miền Bắc: Nhiều địa phương bị cô lập trong biển nước và sạt lở đất Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều địa phương ở miền Bắc như Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng ... |
| Bộ GD&ĐT đề nghị hỗ trợ học sinh bị thiệt hại do bão Yagi Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa, ... |
| Vụ sập cầu Phong Châu: Bộ Giao thông vận tải có chỉ đạo nóng Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công điện số 35/CĐ-BGTVT về việc tập trung khắc phục sự cố cầu Phong Châu Km18+300, Quốc lộ ... |
| Thông tin chính thức về vụ sập cầu Phong Châu, biện pháp lâu dài bảo đảm an toàn giao thông Tối 9/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ có văn bản báo cáo chính thức về sự cố sập, trôi cầu Phong Châu trên ... |