Một bệnh nhân mắc Covid-19 được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn. (Nguồn: TTXVN) |
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 79/SYT-NVY về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19 gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập; 30 trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã.
Theo đó, để bảo đảm tốt cho công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19 trong thời gian học sinh, sinh viên đến trường học tập trung trở lại, Sở Y tế Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chuyên khoa đầu ngành Nhi tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đơn vị trong ngành công tác xử trí, chăm sóc, điều trị trẻ em mắc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chịu trách nhiệm khảo sát năng lực đáp ứng điều trị nhi khoa toàn ngành để lên kế hoạch hỗ trợ đơn vị tuyến dưới trong công tác điều trị trẻ em nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện đa khoa có giường điều trị nhi khoa khẩn trương xây dựng phương án tổ chức tiếp nhận, điều trị trẻ em nhiễm Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao đáp ứng điều trị.
Đối với 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu tham mưu uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã phương án bảo đảm y tế trường học khi học sinh quay trở lại trường học đồng thời, phối hợp với phòng y tế, phòng giáo dục quận, huyện, thị xã để chủ động xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra tại trường học, không để bị động, lúng túng, bất ngờ.
Trước đó, ngày 18/2, Sở Y tế Hà Nội có Công văn số 78/SYT-NVY về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.
Đây là lần điều chỉnh việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 thứ 7 của ngành y tế thành phố.
Theo hướng dẫn mới này, việc phân luồng điều trị với người bệnh Covid-19 được chia thành các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là có thêm hướng dẫn phân luồng điều trị trẻ mắc Covid-19.
Với trẻ em
Đặc biệt, tại hướng dẫn này, Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với trẻ em mắc Covid-19.
Cụ thể, điều trị tại nhà (tầng 1) đối với trẻ trên 3 tháng; tại cơ sở thu dung quận, huyện đối với trẻ không đủ điều kiện điều trị tại nhà; tại bệnh viện đa khoa có giường bệnh điều trị nhi khoa đối với trẻ có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì; trẻ dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi.
Trẻ điều trị tại tầng 2 với mức độ trung bình ở các bệnh viện đa khoa có khoa nhi; bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Trẻ điều trị tại các bệnh viện (tầng 3): Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn và Sơn Tây; bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng
Bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực điều trị tại tầng 3 tại các bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Đống Đa; bệnh viện tầng 2 đáp ứng giường bệnh hồi sức tích cực đã phân công và các bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình
Bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình hoặc có triệu chứng, tuổi từ lớn hơn hoặc bằng 65, mắc bệnh lý nền không ổn định và chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc người bệnh mắc các bệnh lý có triệu chứng cấp tính cần điều trị nội trú hoặc can thiệp chuyên khoa được điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.
Người mắc bệnh lý nền ổn định hoặc không ổn định nhưng chưa cần nhập viện, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1).
Bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện quản lý, cách ly, điều trị tại nhà (tầng 1).
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt.
Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng
Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là các bệnh viện: Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Thận, Sơn Tây, Mê Linh; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Người có bệnh tâm thần
Với người có bệnh tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn, Tâm thần Hà Nội và bệnh viện trung ương.
Người bệnh sau ghép tạng
Người bệnh sau ghép tạng điều trị tại tầng 1,2,3 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và các bệnh viện đang theo dõi, điều trị cho người bệnh.
Người bệnh mang thai
Người bệnh mang thai điều trị tại nhà (tầng 1) khi thai dưới 37 tuần, không bệnh nền, đã tiêm đủ vaccine hoặc tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1) khi thai dưới 37 tuần chưa tiêm đủ vaccine hoặc bệnh nền ổn định hoặc bệnh viện đa khoa có khoa sản khi thai dưới 37 tuần chưa tiêm đủ vaccine và có bệnh nền không ổn định.
Người bệnh mang thai điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (tầng 2) đối với sản phụ cần can thiệp chuyên khoa, thai bằng hoặc trên 28 tuần mức độ trung bình, nặng; hoặc điều trị tại bệnh viện đa khoa có khoa sản và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Người bệnh mang thai điều trị tại tầng 3 với các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây, Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.
Từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 191.547 ca Covid-19 với 888 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong chiếm 0,46% tổng ca mắc.
Theo Sở Y tế, tính đến cuối ngày 17/2, toàn thành phố có 143.536 ca đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 138.000 F0 điều trị tại nhà (tăng 17.000 ca so với hôm 16/2) và 987 ca (tăng 134 ca) điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hơn 3% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị. Trong số này có hơn 4.00 ca (tăng hơn 300 ca) điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.