Cứu chữa miễn phí người bị nạn do ảnh hưởng của bão số 3
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương.
Ngày 12/9, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 295/SYT-NVY về việc thực hiện Công điện số 15 của UBND thành phố gửi Giám đốc các đơn vị trực thuộc.
Theo đó, để chủ động khắc phục hậu quả của bão số 3, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố tại Công điện số 15. Bên cạnh đó, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị tiếp tục tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên kịp thời đối với những người bị thương, bị thiệt mạng, bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Riêng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu đơn vị này hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và quản lý chất thải y tế sau bão lũ tại địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm hỏi, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực đê xung yếu tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). (Ảnh: Quang Thái) |
Ngoài ra, CDC thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt, công tác thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu tránh trú an toàn. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng về công tác nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch sau bão lũ.
Sở Y tế cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Cụ thể là chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế tham mưu cho UBND các cấp thực hiện biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thực phẩm tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ... cho nhân dân trong vùng lụt bão.
Đối với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu, tăng cường các biện pháp đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ, ngập úng; quản lý và xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc tại nơi úng lụt; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt.
Đồng thời, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ (bệnh về đường tiêu hóa, bệnh da liễu, bệnh về mắt...) để cấp phát cho người dân; các hóa chất (cloraminB, phèn chua..) để xử lý nguồn nước, xử lý môi trường.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các bệnh viện đa khoa trên địa bàn khám, cấp cứu các trường hợp chịu ảnh hưởng của thiên tai, úng lụt.
Còn tại các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, cơ số thuốc để tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên. Kiện toàn các đội cấp cứu cơ động, đội phẫu thuật cơ động (tùy theo tình hình thực tế), sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
"Thực hiện cấp cứu kịp thời các tai nạn, sự cố trong thời gian mưa bão, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, các dịch bệnh có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trên địa bàn", Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Nhanh chóng khôi phục sản xuất sau mưa lũ
Sáng 12/9, các Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.
Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền TP. Hà Nội trong việc ứng phó với bão số 3 và việc mực nước sông Hồng liên tục tăng cao những ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu và các đoạn đê có nguy cơ xảy ra đùn sủi, thẩm lậu, sạt trượt; các cống cũ hư hỏng xuống cấp; khẩn trương xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều để bảo đảm an toàn hệ thống đê.
Bộ trưởng cũng đề nghị Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp an toàn cho người dân sống ngoài bãi sông, không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về việc ứng phó với mưa lũ và giúp các hộ dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra.
Bảo vệ các tuyến xung yếu, bảo đảm an toàn cho người dân
Ngày 12/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với tình trạng nước sông Hồng tăng cao và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại khu vực đê xung yếu xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) và khu vực ngập úng xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).
Xã Nam Phương Tiến là một trong những điểm chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, với có 3.350m chiều dài kênh mương bị hư hỏng, 18.000m đường giao thông nội đồng bị ngập. Đến 16h ngày 11/9, đã có 875 hộ gia đình bị ngập với 4.057 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Tổng đàn gia súc phải di chuyển là 2.095 con và tổng đàn gia cầm là 102.295 con. Tổng diện tích chuồng trại bị ngập của xã là 17.327m2…
Đập bao Vân Thủy, xã Trung Châu, cũng là một trong những khu vực đê xung yếu của huyện Đan Phượng. Ông Nguyễn Văn Năm, trưởng thôn 5, xã Trung Châu cho biết, việc giữ vững đập bao Vân Thủy với chiều dài gần 2km có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ an toàn cho khu vực đê bối của huyện Đan Phượng. Nếu để xảy ra vỡ đê, sẽ có 659 hộ dân với 2.940 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp.
Chỉ đạo việc triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chương Mỹ, Đan Phượng khẩn trương thống kê thiệt hại, xây dựng kế hoạch để hỗ trợ kịp thời người khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó cần lưu ý việc khôi phục diện tích rau xanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bà Tuyến cũng lưu ý việc vận động, hỗ trợ người dân sơ tán đến khu vực an toàn. Trong đó, các huyện cần sơ tán triệt để người dân khỏi khu vực nguy hiểm. Trong thời gian sơ tán, có phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Thăm hỏi, động viên và chia sẻ những khó khăn với các lực lượng xung kích làm công tác hộ đê, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn của hai huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các lực lượng tiếp tục tổ chức ứng trực 24/24h theo đúng chỉ đạo của Trung ương, TP. Hà Nội, qua đó giữ vững các khu vực đê xung yếu, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trước những tác hại khôn lường do mưa lũ gây ra.
Nhiều tuyến đường tại huyện Mỹ Đức đang bị ngập sâu gây mất an toàn cho người và phương tiện. (Ảnh: Quang Thái) |
Cấm phương tiện lưu thông qua nhiều điểm ngập sâu ở ngoại thành
Do ảnh hưởng của mưa lũ đã gây tình trạng ngập, úng trên các tuyến đường bộ ở ngoại thành Hà Nội, dẫn tới việc phải cấm phương tiện lưu thông.
Tại địa bàn huyện Mỹ Đức, đoạn từ Km71+00 đến Km71+500 đường 419 (đường 80 cũ) mặt đường ngập sâu trung bình từ 30cm đến 80cm. Tương tự, trên đường 425 (đường 74 cũ), đoạn từ Km0+00 đến Km0+400, chiều sâu khu vực ngập trung bình từ 40cm đến 60cm, nước chảy xiết tràn qua mặt đường. Trước tình hình đó, từ ngày 12/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông qua hai điểm ngập trên cho đến khi có thông báo khác.
Theo phương án phân luồng, các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua đường 419 (đường 80 cũ) di chuyển theo lộ trình sau:
Hướng từ thị trấn Đại Nghĩa đi Hương Sơn: Đường 425 (đường 74 cũ) - ngõ số 102 - đường Yến Vĩ - cầu Yến Vĩ và ngược lại.
Hướng từ Hà Nam đi thị trấn Đại Nghĩa: Đường 425 (đường 74 cũ) đến cầu Yến Vĩ - đường Yến Vĩ - đường 419 (đường 80 cũ) và ngược lại.
Đối với đường 425 (đường 74 cũ), phương án phân luồng giao thông như sau:
Hướng đi từ xã Hương Sơn ra Quốc lộ 21B - đường qua UBND xã Hồng Quang - đường nhà máy xi măng Tiên Sơn - Quốc lộ 21B.
Hướng đi từ Chợ Dầu (Kim Bảng, Hà Nam) và từ Hà Đông: Quốc lộ 21B - đường 425 (đường 74 cũ) - Quốc lộ 21B đến Km 31+500 ( ngã ba đầu đê) - đường 419 (80 cũ) và ngược lại.
Cũng từ ngày 12/9, Sở Giao thông vận tải cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn từ Km3+100 - Km3+400 và Km6+520 - Km6+820 đường 413 (đường 88 cũ) thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây do các đoạn này ngập sâu trung bình từ 45-50cm.
Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực trên theo lộ trình sau:
Hướng Sơn Tây đi hồ Suối Hai: Đường 414 (đường 87A cũ) tại Km14+300 - đường 414C (đường 86 cũ) tại Km3+00 - đường 413 (đường 88 cũ) và ngược lại.
Trước đó, từ chiều 11/9, đoạn từ Km15+400 - Km16+100 đường 428 (đường 75 cũ) thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên cũng phải cấm phương tiện lưu thông do không bảo đảm an toàn.
Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực trên theo các lộ trình sau:
Từ Quốc lộ 1A tại Km200+200 (ngã ba Tía) - đường 429 (73 cũ) - Quốc lộ 21B.
Từ Quốc lộ 21B - đường 429 (đường 73 cũ) khu vực Quán Tròn - Quốc lộ 1A.
| Hà Nội triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3 Hà Nội triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố. |
| Hà Nội: Cấm nhiều xe khách, xe tải qua cầu Chương Dương; hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3 Hà Nội triển khai việc hỗ trợ khẩn cấp đối các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3; Sở GTVT Hà Nội ... |
| Hơn 100 trường tại Hà Nội cho học sinh nghỉ học, nhiều trường chuyển sang dạy trực tuyến Chiều nay (10/9), nhiều trường tại Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ học, một số trường chuyển sang học trực tuyến. |
| TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống' Trong bão số 3 và lũ lụt ở một số tỉnh phía Bắc, tình người, sự san sẻ, những hành động tử tế xuất hiện ... |
| Hà Nội: Tạm ngừng cấp điện ở các điểm ngập để bảo đảm an toàn cho người dân Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đã triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, tạm ngừng cấp điện để ... |
| Hà Nội: Gia cố những đoạn đê xung yếu ngăn lũ dữ; di dời người và tài sản đến nơi an toàn Hiện nay, các địa phương ở TP. Hà Nội đang huy động tối đa lực lượng để ứng phó với thiên tai. |