📞

Hà Nội đã có nhiều phương án bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm ứng phó với dịch Covid-19

15:09 | 31/03/2020
TGVN. Sở Công Thương Hà Nội vừa tiếp tục đưa ra phương án số 3, về nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân bảo đảm theo các cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. 
Covid-19: Những cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu nào ở Hà Nội được phép mở cửa?

Theo Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch cụ thể như sau: Lượng hàng hóa 1 tháng tương đương 21.500 tỷ đồng; lượng hàng hóa trong tháng dịch (tăng gấp 3 lần so với 1 tháng) là 64.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa trong 3 tháng có dịch là 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) là 21.500 tỷ đồng.

Theo đó, căn cứ lượng hàng hóa trên, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa theo bảng phân bổ của Sở Công thương, khuyến khích các doanh nghiệp dự trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra. Đồng thời, với vai trò đầu tàu kinh tế Vùng trọng điểm Bắc bộ, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho các tỉnh có dịch bùng phát.

Cũng theo sở Công Thương Hà Nội, về công tác điều phối nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, các doanh nghiệp cần chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho trung tâm, kho các tỉnh đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân. Sở Công Thương cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với đầu mối tại các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc về tình hình hàng hóa, giá cả để kịp thời chỉ đạo các đơn vị bổ sung ngay hàng hóa tại các điểm bán thiếu hàng trong hệ thống hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp khác tổ chức bán hàng lưu động để kịp thời cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Về đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân khu vực bị cách ly, Sở Công Thương Hà Nội xác định kịch bản và lượng hàng hóa phục vụ cho các khu vực bị cách ly theo các cấp độ. Dự kiến, định mức nhu yếu phẩm cho 1 người trong 28 ngày gồm: Gạo 16,8kg, thịt lợn 1,26kg, thịt trâu và bò 0,56 kg, thịt gia cầm 1,4kg, trứng gia cầm 14 quả, thủy hải sản đông lạnh 1,45kg, thực phẩm chế biến 1,26kg, rau củ 8,96kg, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô...) 56 gói, sữa uống (cho học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3) 11 lít, gia vị (muối ăn, bột canh) 0,14kg, dầu ăn 0,84 lít, nước đóng chai 56 lít, khẩu trang kháng khuẩn 6 chiếc, khẩu trang y tế 84 chiếc, nước sát khuẩn 200ml, giấy vệ sinh 2 cuộn. Trên cơ sở đó, các phương án đảm bảo nhu yếu phẩm cụ thể như sau:

"Cho đến thời điểm hiện nay, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân đang được đưa ra thị trường rất đầy đủ, chủng loại phong phú, giá cả tương đối ổn định so với trước Tết Nguyên đán, một số loại giá tăng do tính chất mùa vụ và tác động của sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đang đạt đỉnh nên hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu. Mỗi năm, nước ta sản xuất 50 triệu tấn lương thực, sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,5 triệu tấn, 8 triệu tấn cá, 40-50 tấn rau quả. Nhiều sản phẩm nông sản sản thuộc top đầu thế giới. Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu nông sản tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD…

Bên cạnh đó, ngoài lượng gạo dự trữ quốc gia, theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, hiện lượng gạo dự trữ lưu thông tối thiểu của các doanh nghiệp luôn ở mức tương đương 5% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó của doanh nghiệp" - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga.

Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn và xuất hiện 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện với số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường ở những khu vực không cách ly, xuất hiện hiện tượng mua tích trữ hàng hóa.

Cấp độ 2: Khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, xuất hiện nhiều khu vực cách ly, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1.000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn đáp ứng đầy đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại một thời gian ngắn nhất định, do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Một số địa điểm kinh doanh thuộc khu vực cách ly ngừng hoạt động.

Cấp độ 3: Trên địa bàn có từ 20 ca nhiễm đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu vực cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2.000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50% đến 100%) so với ngày bình thường. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ...) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.

Cấp độ 4: Trên địa bàn có trên 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc, 30 quận huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly đưa số khu vực cách ly từ 30-150 khu vực, với số người trong khu vực cách ly 30.000 người và 382.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, phải tăng thêm nhiều kho dự trữ hàng hóa tại các quận huyện, phải thực hiện điều tiết hàng hóa trong nội bộ thành phố và phải huy động một số hàng hóa thiếu nhiều (thực phẩm, rau, củ, quả...) từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác.

Cấp độ 5: Trên địa bàn có từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao (chiếm gần 1/4 số dân trên địa bàn); người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm. Hoạt động một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa số phải tạm ngừng, chỉ có một số điểm bán nhu yếu phẩm hoạt động theo chỉ đạo của thành phố. Lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến, tiếp tục mở thêm các kho hàng để đưa hàng về tăng lượng dự trữ trong trường hợp cần thiết phải mở các kho hàng dã chiến tại các vùng ngoại thành, điều tiết cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về trong thời gian ngắn nhất. Huy động thêm các phương tiện để vận chuyển hàng hóa.

Trước đó, TP. Hà Nội cũng có nhiều phương án chuẩn bị dự trữ đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân. Theo thông tin được UBND TP.Hà Nội cung cấp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm việc với đại diện các doanh nghiệp, các siêu thị vừa và nhỏ về dự trữ, cung ứng hàng hóa.

Theo đó, các doanh nghiệp đã sẵn sàng các phương án dự trữ đến 300% hàng hóa so với bình thường, nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân Hà Nội trong giai đoạn nhạy cảm này. Vì vậy, không cần tích trữ lương thực, thực phẩm, bởi hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố đã dự trữ đủ nhu yếu phẩm “đủ cung ứng cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống, với giá cả không tăng”.