📞

Hà Nội dẫn đầu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh

An Hải 08:06 | 19/10/2024
Baoquocte.vn. Nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số của Thủ đô theo 4 giá trị cốt lõi, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các cấp chính quyền đẩy mạnh phát triển 4 sẵn sàng tới từng người dân.
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. (Ảnh: Hồng Phúc)

Dẫn đầu trong chuyển đổi số

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, xứng đáng là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 về Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong đó, Hà Nội đã thực hiện thành công thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên địa bàn, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả và cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.

Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng app ‘Công dân Thủ đô số iHaNoi’; đến nay iHaNoi đã có hơn 1 triệu người dùng, trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Việc triển khai ứng dụng iHaNoi không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý và phục vụ người dân.

Thống kê cho thấy, thành phố hiện có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số; thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; kê khai và nộp thuế điện tử tại Hà Nội đạt 99%; hơn 90% các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh.

Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số.

Toàn thành phố đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Việc xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống”.

Để hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế, nhằm bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân; định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.

Ngoài ra, đã có trên 7 triệu người có thẻ Bảo hiểm Y tế trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng Căn cước công dân để đi khám chữa bệnh. Chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 28/6/2024, tính tới 1/8, Hà Nội đã tổ chức cấp, tạo tài khoản cho công chức, viên chức tại 61/61 cơ quan, đơn vị nhằm tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường trên iHanoi. Chỉ sau 3 tháng hoạt động, iHanoi đã tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị của người dân. Qua đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 9.500 phản ánh (đạt gần 80%).

Cuối tháng 9/2023, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hàng triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt, tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Đến nay, mô hình được nhân rộng ra nhiều quận, huyện, qua đó đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.

Sau khi được triển khai tại các cửa hàng kinh doanh, thanh toán không tiền mặt cũng dần được đưa vào các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại hàng loạt chợ trên địa bàn quận, huyện của thành phố.

Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại Bộ phận Một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến. Tính đến nay, 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố; gần 50.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

Đối với lĩnh vực giao thông, thành phố đã triển khai ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ vé ảo) cho vận tải hành khách công cộng, áp dụng đối với thẻ vé tháng và thẻ miễn phí đi xe buýt. Sử dụng thẻ vé ảo giúp tiết kiệm chi phí phát hành, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để nhận thẻ vé tháng của khách hàng.

Từ những hoạt động và kết quả cụ thể, có thể khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

4 giá trị cốt lõi

Hà Nội đang quyết tâm rất cao trong việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số để phát triển các lĩnh vực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp và quản lý xã hội.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hệ giá trị cốt lõi của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, đó là: “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ; Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến, Xã hội số - Xã hội niềm tin, Công dân số - Người dân hạnh phúc”.

Du khách quét mã vé điện tử vào cửa khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: Minh Anh)

Ông Hà Minh Hải chỉ rõ 3 nhiệm vụ Hà Nội tập trung thời gian tới, đó là: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hình thành dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; và nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng số cho người dân xây dựng xã hội số, xã hội thông minh.

Thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các cấp chính quyền cần đẩy mạnh phát triển 4 sẵn sàng tới từng người dân nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là: Điện thoại sẵn sàng kết nối mạng, tích hợp VNeID và iHanoi; định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ và an toàn thông tin; sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành và tổ chức triển khai đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang chỉ đạo quyết tâm hoàn thành một số nhiệm vụ về hạ tầng phục vụ triển khai chính quyền số như: triển khai Trung tâm dữ liệu chính; hình thành một số thành phần cơ bản của Trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hà Nội, trong đó bao gồm các thành phần cơ bản về giao thông thông minh, du lịch thông minh, Hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu của thành phố, phục vụ kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để phát triển chính quyền số; tiếp nhận và phản ánh kiến nghị phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ hoàn thành Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hạ tầng thông tin của thành phố và kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin của Chính phủ.

Thành phố sẽ phát triển dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia và giữa các ngành nhằm giảm thành phần hồ sơ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của công dân, doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh triển khai mở dữ liệu theo lộ trình, công khai minh bạch thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác.

UBND thành phố tập trung triển khai phê duyệt cấp độ, phương án bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” đối với các hạ tầng thông tin của cơ quan nhà nước thành phố theo quy định; đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hà Nội cũng sẽ ban hành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.