Hà Nội đi qua đỉnh dịch sau một tháng. |
Hà Nội qua đỉnh dịch
Trước Tết, số F0 mới của Hà Nội ở mức khoảng 3.000 ca/ngày. Trong Tết, con số này có xu hướng giảm nhẹ nhưng được cảnh báo là giảm "giả tạo". Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, sau kỳ nghỉ Tết, F0 mới tại Hà Nội "bùng nổ" và liên tục vượt đỉnh.
Giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3, Hà Nội nhiều ngày liền ghi nhận trên dưới 30.000 ca Covid-19 mới. Đỉnh điểm là vào ngày 8/3, Thủ đô có thêm 32.650 F0 chỉ trong 24 giờ. Việc F0 nhảy vọt cũng khiến các trạm y tế rơi vào cảnh quá tải. Thêm vào đó, chính các nhân viên y tế cũng trở thành F0. Nhiều trạm y tế chỉ còn 1 - 2 cán bộ chưa mắc Covid-19. Thậm chí, có trường hợp cả trạm y tế là F0 nhưng vẫn ở lại "trực chiến".
Ngày 9/3, kết quả giải trình tự gen 93/109 mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên, được xác định nhiễm Omicron, chiếm tỷ lệ 85,3%. Trong số này, biến thể phụ BA.2, hay còn gọi Omicron "tàng hình", chiếm ưu thế với 86/93 mẫu. Omicron trở thành chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Các chuyên gia đánh giá biến chủng Omicron "đe dọa" và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh số ca mắc mới của Hà Nội đã liên tục hạ nhiệt và đến nay đã giảm xuống dưới mức 10.000 ca/ngày. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ 18h ngày 26/3 đến 18h ngày 27/3, Hà Nội ghi nhận 9.600 ca bệnh (3.371 ca cộng đồng; 6.229 ca đã cách ly).
Trước đó, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho hay, có thể vào cuối tháng 3, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội sẽ hạ nhiệt về mức như trước Tết Nguyên Đán.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 25/3, Sở Y tế Hà Nội nhận định thành phố Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, thành phố không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới.
Tập trung mục tiêu giảm F0 nặng
Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 27/3, Hà Nội có 236.205 bệnh nhân điều trị tại nhà, 192 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.671 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 1.213 F0 ở mức độ trung bình, 279 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 243 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 3 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 10 ca thở máy không xâm lấn; 23 ca phải thở máy xâm lấn.
Số bệnh nhân Covid-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội từ khi dịch bùng phát đến nay là 1.336 ca.
Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời, chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thành phố cũng tập trung vào 3 hướng chính để kiểm soát dịch bệnh là: Tiêm vaccine; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Thành phố đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người nhiễm Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân...
Hà Nội mở cửa trở lại nhiều hoạt động
Kể từ ngày 15/3, Việt Nam khôi phục hoạt động du lịch bao gồm nội địa và quốc tế. Hà Nội cũng xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn.
Ngày 15/3, Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.
Từ ngày, 18/3, quận Hoàn Kiếm tổ chức lại hoạt động các không gian trên địa bàn quận bao gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận; tuyến phố đi bộ, thương mại, dịch vụ Hàng Đào đến Hàng Giấy; không gian đi bộ mở rộng sang Khu bảo tồn cấp I - Khu phố cổ Hà Nội; không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối với phía Bắc.
Thời gian hoạt động đối với không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận bắt đầu từ 19h ngày thứ Sáu đến 24h ngày Chủ nhật hàng tuần. Đối với các không gian đi bộ còn lại hoạt động từ 19h đến 24h của 3 ngày cuối tuần.
Trong giai đoạn "mở cửa", Hà Nội yêu cầu các cơ quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tiếp tục thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng; huy động lực lượng tham gia với lực lượng y tế cơ sở thực hiện hướng dẫn về điều trị F0 tại nhà, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong.
Thành phố cũng khuyến cáo người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định 5K để phòng, chống dịch. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...), người dân không tham gia các hoạt động tại các địa điểm công cộng hay khu vực tập trung đông người như đám cưới, đám hỏi, đám tang... hạn chế số người tham gia ở cùng một thời điểm.
| Điểm danh những trường đại học cho sinh viên học trực tiếp từ tháng 4 Học viện Ngoại giao, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... sẽ cho sinh viên đi học trực ... |
| Cần phân biệt giữa tổn thương sức khỏe tâm thần và hậu Covid-19 Nhiều người lầm tưởng các triệu chứng mệt mỏi, trầm cảm của học sinh là do hậu Covid-19 chứ không biết đấy là tổn thương ... |