Theo Cục Thuế Hà Nội, nửa đầu năm 2024, Hà Nội đã thu 7.362 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. (Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư) |
Như vậy, nhiều năm liền, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử.
Theo Cục Thuế Hà Nội, nửa đầu năm 2024, Hà Nội đã thu 7.362 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử phát triển đã kéo theo hoạt động xuất khẩu của Thủ đô dần phục hồi khi xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Thị Diệu Hồng cho biết, để tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng thương mại điện tử nhằm tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho thấy, hiện trên địa bàn Thủ đô có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử.
Thời gian tới, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hàng tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Đồng thời, thành phố phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, Hà Nội còn phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn thành phố, mở rộng tới cả nước.