Nhỏ Bình thường Lớn

Hà Nội "giật mình" khi... PCI "tụt"

Dành 50 tỷ đồng cho xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia tiếp cận mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, công nghiệp làng nghề, sản phẩm công nghiệp sáng tạo.
Khó khăn lớn nhất của các DNNVV là tiếp cận vốn, đặc biệt là tài sản đảm bảo.

Đó là một số cam kết của TP Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong cuộc đối thoại giữa Lãnh đạo TP Hà Nội với các DN trên địa bàn TP để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Rất nhiều giải pháp được đưa ra cùng những cam kết của TP, thời gian tới Hà Nội sẽ chung vai sát cánh cùng DN tìm cách lấy lại uy tín cho Thủ đô với vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước.

Cửa tiếp cận vốn vẫn rất hẹp

Lãnh đạo TP cũng khẳng định sẽ kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho thông qua đẩy mạnh đầu tư với kinh phí lên tới 23.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho 671 dự án xây dựng cơ bản năm 2013, và gói hỗ trợ từ ngân sách 508 tỷ đồng hỗ trợ vật tư, kỹ thuật đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của TP. Nhiều ý kiến DN cho rằng, mặc dù TP Hà Nội đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn nhưng nhìn chung chưa tập trung theo nhóm đối tượng, ngành nghề hoặc đối tượng ưu tiên vay vốn chưa phù hợp. Ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội kiến nghị, TP cần hỗ trợ theo ngành hàng. Ngoài ra, giúp doanh nghiệp về thông tin để có thể tiếp cận với các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia để đưa được sản phẩm vào.

Theo số liệu từ Cục thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của quý I/2013 tăng thấp nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, thu nhập người dân tuy có cải thiện nhưng lại không theo kịp sự tăng của giá cả, nên khiến cho hầu hết người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Lãi suất đã giảm nhưng "cửa" cho DN tiếp cận vốn vẫn rất hẹp, tín dụng TP vẫn tăng trưởng âm sau 3 tháng, dù tính riêng tháng 2 tổng dư nợ cho vay có tăng 5,4%, đạt 649.661 tỷ đồng. Nhiều DN kêu lãi suất vẫn quá cao so với khả năng chịu đựng, một số ít lại "than thở" điều kiện vay vốn của các nhà băng khắt khe và chưa thực sự hỗ trợ người kinh doanh. Ngược lại, ngân hàng thì đưa ra lý lẽ không thể cho vay ồ ạt trong bối cảnh nợ xấu đang tăng cao như hiện nay, nên rất khó thả lỏng "hầu bao".

Tất cả những lý do đó đã khiến hai bên chưa thể đến được gần với nhau. "Tảng băng" tín dụng chưa tan bớt và DN dù ngày một yếu ớt hơn nhưng vẫn chưa được "bơm máu" để tiếp tục hoạt động. Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất của các DNNVV là tiếp cận vốn, đặc biệt là tài sản đảm bảo. Theo quy định của nhiều ngân hàng, đi vay vốn là phải có tài sản bảo đảm nhưng trên thực tế, DN đã vừa lại còn nhỏ thì cũng không có tài sản. Trong khi quỹ hỗ trợ bảo lãnh tín dụng của TP quy định cũng phải có tài sản bảo đảm.

"Đây là bài toán đã được nêu ra từ lâu nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp để tháo gỡ khó khăn này cho DN", ông Hiển nói.

Sẽ tìm địa chỉ trách nhiệm

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 chứng kiến nhiều xáo trộn bất ngờ, Hà Nội từ vị trí 34 của năm 2011 sang bảng xếp hạng năm 2012 đã rơi một mạch xuống thứ 52, tụt sâu tới 15 bậc. Đây là mức điểm thấp nhất của Thủ đô từ khi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện khảo sát từ năm 2005 đến nay. Trong số 9 hạng mục được đưa ra đánh giá, Hà Nội bị chấm điểm thấp ở các mục như: pháp lý và tính năng động đều chưa được 3 điểm trên thang 10, thậm chí trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, Hà Nội bị chấm điểm thấp nhất cả nước.

Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết trong khó khăn này thì chúng ta phải xử lý như thế nào? Về cơ chế chính sách hỗ trợ thị trường và giải quyết hàng tồn kho, đây là vấn đề cơ bản ban đầu. Tới đây chúng tôi sẽ phân tích rất kỹ lưỡng từng nguyên nhân, xác định từng địa chỉ trách nhiệm để nâng cao chỉ số PCI.

"Nếu chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh lên thì cũng chính là giải pháp tháo gỡ khó khăn và giúp cho DN phát triển sản xuất kinh doanh", ông Thảo nói.

Đáng chú ý, hàng loạt ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn đều hứa hẹn tung các gói tín dụng lớn dành cho DN. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, giải phóng hàng tồn kho, lãnh đạo TP Hà Nội cũng cam kết tăng cường cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ công dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giảm chi phí của doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh và trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước cũng như liên tục đẩy mạnh CCHC liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư như thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh...

Phan Anh