Một số cây xanh được trồng lại đã mọc lá non mới. (Ảnh: Thu Phương) |
Sau cơn bão Yagi, nhiều cây xanh gãy, đổ đã hồi sinh ngoạn mục. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu những cây không thể cứu vãn có bị bỏ phí, hay có thể tìm ra cách tận dụng chúng một cách hiệu quả?
Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, số gỗ được thu về từ các cây xanh bị đổ sau bão số 3 trên địa bàn thành phố được vận chuyển đến 2 kho chứa của công ty ở khu vực công viên Yên Sở và kho tạm thời ở công viên Chu Văn An. Còn lại, một số gỗ tập kết ở các kho của quận, huyện trên địa bàn.
Tại công viên Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội, rất nhiều khối gỗ lớn nhỏ từ những cây bị bão Yagi quật ngã được đưa về tập kết, phân loại cẩn thận theo thân, cành, gốc... Những phần gỗ còn nguyên vẹn và có giá trị sử dụng được đánh số, đưa đi đấu giá. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá này sẽ được nộp vào kho bạc nhà nước.
Anh Phạm Tiến Dũng (20 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cư dân sinh sống và thường xuyên chạy bộ tại công viên Chu Văn An chia sẻ: “Trước đó khoảng 2 tuần, hầu như ngày nào cũng có nhiều xe cẩu, xe tải lớn chở cây xanh bị đổ tập kết ở đây, tôi tưởng là cây bị bỏ đi, không ngờ sẽ được bán đấu giá. Theo tôi, cách xử lý như vậy rất hay”.
Ngay trong khu vực công viên Chu Văn An, bên cạnh những thân cây gỗ lớn nhỏ được tập kết để đấu giá là một vườn ươm mới xuất hiện. Hàng trăm cây có khả năng phục hồi đã được trồng lại tại đây. Chúng được cẩn thận cắt bỏ hết phần cành lá, chống đỡ bằng những cọc trụ chắc chắn, và đang dần hồi sinh với những chiếc lá non xanh mướt.
Có thể thấy, sau cơn bão Yagi, Hà Nội không chỉ khắc phục hậu quả mà còn tìm ra những giải pháp sáng tạo để bảo vệ và phát triển cây xanh, tiếp tục tô điểm cho thành phố. Việc trồng lại cây xanh và tận dụng gỗ một cách hiệu quả không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Tại họp báo chiều 3/10 thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 của UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội cho biết, trong tổng số hơn 40.000 cây gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3, có 11.756 cây do Thành phố quản lý. Trong đó, Hà Nội cứu được 4.103 cây, gồm 3.513 cây được dựng lại ngay tại chỗ sau khi đổ và 608 cây được mang về vườn ươm để trồng lại. Ông Hưng cho hay: "7.635 cây gãy, đổ không cứu được đã được cắt thành các khúc gỗ ngắn mang về kho chờ đấu giá. Riêng cây quý hiếm, cây lịch sử và cây cổ thụ có 98 cây bị gãy đổ. Trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây bị gãy đổ, cứu được 33 cây"... |
Số gỗ từ các cây xanh bị đổ không có khả năng phục hồi được tập kết tại công viên Chu Văn An. (Ảnh: Thu Phương) |
Rất nhiều gỗ được phân loại, sắp xếp gọn gàng. (Ảnh: Thu Phương) |
Khu vực vườn ươm các cây còn khả năng phục hồi được trồng lại (Ảnh: Thu Phương) |
Một số cây đã mọc lá non mới. (Ảnh: Thu Phương) |
Cây xanh hồi sinh sẽ tiếp tục tô điểm cho thành phố. (Ảnh: Thu Phương) |