Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh: Minh Anh) |
Đầu tàu kinh tế, điểm đầu tư hấp dẫn
Là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hà Nội luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế, phục hồi sản xuất, xứng đáng với vai trò dẫn dắt, trung tâm kinh tế, hợp tác phát triển.
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong quý III và 9 tháng năm 2024, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng, phục hồi rõ nét. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 6,12%, cao hơn cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%). Trong đó, hầu hết các ngành đều tăng cao hơn cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,54 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2024 thực hiện 379.000 tỷ đồng, đạt 92,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng trên 23% so với cùng kỳ năm 2023. Ba quý đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Với các hoạt động hỗ trợ hiệu quả, sản xuất công nghiệp thủ đô tiếp tục sẽ là động lực để kinh tế Hà Nội hoàn thành mục tiêu 2024.
Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 14,5%, đạt 26,8 tỷ USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, từ năm 1989 đến nay, thành phố đã thu hút được 7.495 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 55,73 tỷ USD. Tính đến nay đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Thủ đô.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 13,16 tỷ USD (chiếm 23,63% tổng vốn đăng ký) với 1.532 dự án; Singapore đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 11,95 tỷ USD (chiếm 21,37%); Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 9,62 tỷ USD (chiếm 17,27%)... Hà Nội đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, chiếm khoảng 18,24% số dự án và 8,9% tổng vốn đăng ký.
Hà Nội đã khởi công 28/43 cụm công nghiệp (thêm 8 cụm trong 9 tháng năm 2024), có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, và 2 khu công nghiệp Đông Anh, Phụng Hiệp). Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập.
Để đạt được những kết quả trên, thành phố thường xuyên duy trì được sức hút, tỏ rõ tiềm năng trong mắt giới đầu tư, nhất là những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng với sự cải thiện, nâng cấp nhanh chóng về số lượng công trình giao thông. Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hà Nội luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nhà đầu tư.
Báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của thành phố. "Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước", ông Trần Sỹ Thanh cho biết.
Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức các cuộc gặp, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư, qua đó nắm tình hình thực tiễn, nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ. Các sở, ngành, địa phương đều nghiên cứu phương án, lập kế hoạch và có chương trình hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.
Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mục tiêu phục vụ, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của TP. Hà Nội. Những cải cách đích thực thể hiện qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp nhà đầu tư tiết giảm thời gian, chi phí liên quan đã và đang phát huy hiệu quả, đưa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của dòng vốn quốc tế.
Đặc biệt, với việc Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống, chắc chắn Hà Nội có nhiều triển vọng để thu hút vốn FDI. PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Luật Thủ đô 2024 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sẽ mở thêm nhiều hướng phát triển cho Hà Nội. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ giúp thành phố tăng thêm sức hút vốn FDI, đồng thời cũng là cơ hội để các nhà đầu tư lớn xem xét, nghiên cứu đầu tư”.
Với cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cải cách hành chính, thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. (Ảnh: Bạch Dương) |
Thời gian qua, nhằm cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp, thành phố tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết cụ thể. Bằng những việc làm cụ thể, Hà Nội luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2024 và 2025, kinh tế toàn cầu được đánh giá còn nhiều thách thức như tình trạng tăng trưởng chậm lại, sự bất ổn do những điều chỉnh lãi suất và tỷ giá tại các nền kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến suy giảm đáng kể. Điều này gây áp lực lên các nước có nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam và Thủ đô Hà Nội không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế số trên toàn cầu đã khiến nhiều dự án FDI có xu hướng chuyển dịch sang những lĩnh vực phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường và công nghệ hiện đại. Thêm vào đó, sự xuất hiện của thuế tối thiểu toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho các chính sách thu hút FDI của Hà Nội.
Trước bối cảnh đó, Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện những giải pháp linh hoạt và sáng tạo, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự ổn định cho thị trường.
Một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố trong thời gian tới là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả thu hút vốn FDI và thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, thành phố tập trung giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua hỗ trợ vay vốn, giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước bối cảnh đầy biến động này, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để khắc phục khó khăn và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố kiên định với phương châm: "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững". Các biện pháp của chính quyền tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Với cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh cải cách hành chính, thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.