Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 5.922 di tích lịch sử-văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, UNESCO đã công nhận và ghi danh ba di sản văn hóa phi vật thể, một di sản tư liệu thế giới, một di sản văn hóa. Hà Nội cũng là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, 1.173 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật và 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực.
Kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể mà tiền nhân để lại chính là tài sản to lớn và nguồn lực quý cho sự phát triển bền vững của thương hiệu Thủ đô…
Nhận diện rõ bản sắc
GS. TSKH Nguyễn Quang Ngọc. (Ảnh: Thái Sơn) |
Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh mục tiêu phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội ngàn năm văn hiến.
GS. TSKH Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng, những thành tựu đạt được đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ hướng đến xây dựng một Thủ đô văn minh, mãi xứng đáng là “Trái tim của cả nước”.
Tuy vậy, để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Hà Nội cần chú trọng lưu giữ giá trị của các di sản trong quá trình quy hoạch đô thị. Ông Nguyễn Quang Ngọc đặc biệt lưu ý hai di sản quan trọng đó là Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa.
Theo ông, cấu trúc thành Cổ Loa rất đặc biệt với hệ thống hào nước, hệ thủy liên quan đến dòng sông Hồng, đời sống kinh tế, văn hóa của người Việt, thuộc loại hàng đầu trên thế giới. Nếu khôi phục toàn bộ hệ thủy của Cổ Loa sẽ có một hình dung đầy đủ về kinh đô đầu tiên thời dựng nước của dân tộc và phát huy được giá trị lịch sử của Công viên lịch sử văn hóa Cổ Loa. Còn với Hoàng Thành Thăng Long, dù đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ hơn chục năm nay nhưng quy hoạch và quản lý, bảo tồn và phát huy vẫn còn lúng túng.
GS. TSKH Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, trải qua hơn 1.000 năm với bao thăng trầm của thủ đô và đất nước, Thăng Long-Hà Nội vẫn là hình tượng tiêu biểu nhất cho “khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi”, là kinh đô của các vương triều, là Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Cần thái độ ứng xử đúng
PGS.TS Đặng Văn Bài. (Ảnh: Hà Anh) |
Ở góc nhìn khác của PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hà Nội vẫn còn thái độ ứng xử chưa đúng với một số di sản.
Đưa ra ví dụ sông Tô Lịch lịch sử không còn là niềm tự hào của người Hà Nội, khu Hồ Tây đang bị đô thị hóa và thu hẹp lại... ông cho rằng, đây là sự lãng phí đối với giá trị di sản của cha ông.
Ông cho rằng, Hà Nội có thế mạnh nhất về làng nghề và du lịch nên cần khai thác hiệu quả hơn tour đêm Hoàng thành, nhà tù Hỏa Lò, phố cổ Hà Nội...
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng đề xuất, cần củng cố hệ thống bảo tàng, tạo điều kiện cho bảo tàng tư nhân ra đời và phát triển như Bảo tàng tinh hoa gốm Việt, Bảo tàng cựu tù chiến binh Phú Quốc…
Bên cạnh đó, Thành phố cần tăng cường đầu tư kinh phí cho bảo tồn phát huy; đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực quản lý đáp ứng thực tiễn những vấn đề đặt ra của Hà Nội; phát huy mô hình công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng, từ nguồn lực nhà nước, cộng đồng di sản, tạo sinh kế cho người dân.
Phát huy giá trị cảnh quan di sản
TS. Đào Ngọc Nghiêm. (Ảnh: Thái Sơn) |
Từng là kiến trúc sư trưởng của Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, trong định hướng phát triển, Hà Nội cần chú trọng khai thác giá trị mặt nước trên dòng sông, như hai bên sông Hồng từng có quy hoạch đường thủy, có tour du lịch trên sông để ngắm cảnh quan, phát triển du lịch tâm linh.
Ông Nghiêm gợi ý: “Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội gần 120 km, riêng 40 km qua trung tâm đã có tới hơn 20 di tích có ý nghĩa, gắn với văn hóa lâu đời. Nếu khai thác các bãi bên sông như bãi Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương… với diện tích khoảng 2.000 ha thành điểm du lịch thì vô cùng lợi thế.
Tại khu bãi bồi ven sông có thể tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch”.
Cũng theo ông, muốn khai thác dòng sông Hồng, phải giải quyết vấn đề mực nước, làm sao để ở mức nào cũng khai thác được, rồi kết nối với các bãi bên trong bằng cáp treo hay du thuyền.
Đối với sông Tô Lịch, Kim Ngưu mang rất nhiều yếu tố văn hóa, muốn khai thác được phải làm sạch. Các hồ nước cũng cần phải được chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, thậm chí còn phải làm mới một số hồ để đảm bảo chống úng ngập.
Thực tế, Hà Nội quan tâm đến vấn đề khai thác, phát triển du lịch từ sông hồ nhưng chưa thực sự quyết liệt. Bởi vậy, TS Đào Ngọc Nghiêm hy vọng, với những điều chỉnh về quy hoạch giai đoạn 2021-2030 cùng Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, những vấn đề trên sẽ được giải quyết triệt để, để Hà Nội không chỉ xứng tầm là thủ đô di sản mà còn là đô thị hiện đại trong khu vực và trên thế giới.