Đánh giá về Hiệp định Paris, Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks khẳng định đây là "tín hiệu đáng hy vọng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hiện văn kiện này cũng được chuyển cho Thượng viện Đức để xem xét phê chuẩn.
Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks. (Nguồn: IISD) |
Trước Đức, 60 quốc gia, chiếm khoảng 48% lượng khí thải toàn cầu, đã phê chuẩn Hiệp định Paris, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ tin tưởng, Hiệp định Paris sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2016.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu được ký kết tháng 12/2015 tại thủ đô Paris của Pháp, sau gần hai tuần đàm phán gay go. Để thỏa thuận này có hiệu lực, cần ít nhất 55 quốc gia, tương ứng với 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn. Mục tiêu của thỏa thuận này là giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Hiệp định này đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng.