Một phiên họp Hạ viện Nga hồi tháng 1. Hạ viện đã thông qua lần đọc đầu tiên dự luật miễn trừ cho các cựu tổng thống Nga. (Nguồn: EPA-EFE) |
Theo dự luật, sau khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Nga được hưởng quyền miễn trừ, tức là không bị bắt, tạm giữ, khám xét hay truy cứu trách nhiệm hành chính và hình sự.
Chỉ Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) mới có thể tước quyền miễn trừ của nguyên thủ quốc gia trên cơ sở bị Duma Quốc gia buộc tội phản quốc hoặc các tội nghiêm trọng khác. Trong trường hợp thứ hai, cần có xác nhận của Tòa án Tối cao.
Dự luật này do Hạ nghị sĩ Pavel Krasheninnikov và Thượng nghị sĩ Andrei Klishas khởi xướng. Dự luật được soạn thảo để thực thi các sửa đổi Hiến pháp của Nga.
Ông Klishas tuyên bố: “Việc thông qua các sửa đổi sẽ giúp củng cố luật liên bang bằng các bảo đảm hiến pháp cho tổng thống đã mãn nhiệm, điều này rất quan trọng đối với sự ổn định của nhà nước và xã hội”.
Dự luật trên được đệ trình để xem xét hôm 5/11. Khi đó, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nói rằng, các biện pháp như vậy đã được thực hiện ở nhiều nước và là thông lệ phổ biến trong luật pháp thế giới.
Hiện quyền miễn trừ của cựu tổng thống được quy định trong luật liên bang năm 2001. Theo đó, nguyên thủ quốc gia Nga không phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong nhiệm kỳ tổng thống, cũng như bị bắt, thẩm vấn hoặc khám xét trong khuôn khổ các vụ án liên quan đến quyền lực tổng thống.
Quyền miễn trừ cũng mở rộng đối với tài sản của tổng thống, kể cả bất động sản. Theo luật, nếu phạm tội nghiêm trọng trong nhiệm kỳ tổng thống, nguyên thủ quốc gia có thể bị tước quyền miễn trừ.