Hơn 30 giờ trước khi cuộc bỏ phiếu về thoả thuận đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Quốc hội Anh, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo hoãn việc trình thoả thuận để Hạ viện xem xét như dự kiến. Thay vào đó, ngày 11/12, bà May đã tới Brussels nhằm tìm kiếm thêm các điều khoản tốt hơn từ EU, ví dụ như yêu cầu sửa đổi bản thỏa thuận Brexit sau hàng loạt các cảnh báo mang tính đe dọa từ các Bộ trưởng nếu muốn nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ.
Song, trong khi bà May đang công du Paris, Berlin và The Hague nhằm tìm kiếm sự ủng hộ thì ở London, nhiều thành viên đảng Bảo thủ đã hết kiên nhẫn. Ít nhất 48 lá thư đã được gửi tới Ủy ban 1922 phụ trách việc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc bà May buộc phải giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tối ngày 12/12 nếu muốn giữ chiếc ghế Thủ tướng và tiếp tục công cuộc Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Hạ viện Anh ngày 10/12. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc chiến mới
Đáng chú ý, quá trình kiểm phiếu và kết quả sẽ được công bố ngay sau khi bỏ phiếu bất tín nhiệm kết thúc. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại, chưa có bất kỳ điều gì cho thấy bà May sẽ chiến thắng trong cửa ải lần này. Theo đó, bà sẽ cần ít nhất 158 phiếu ủng hộ từ thành viên đảng Bảo thủ để có thể tiếp tục giữ ghế trong vòng 12 tháng.
Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, khi trước đó chính bà đã thừa nhận là không thể tìm kiếm đủ số phiếu tại Hạ viện để thông qua dự thảo Brexit. Song trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng May khẳng định: “Tôi sẽ chiến thắng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với tất cả những gì tôi có.” Việc bà May trì hoãn bỏ phiếu Brexit tại Hạ viện, suy cho cùng, lại dẫn đến một cuộc bỏ phiếu mới, nhưng lần này là quyết định sự nghiệp chính trị của bà.
Một khi thất bại, bà May sẽ buộc phải rời bỏ vị trí Thủ tướng và nước Anh có thể mất tới sáu tuần để tìm ra người kế nhiệm. Những ứng cử viên tiềm năng có thể kể tới cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt và Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Penny Mordaunt.
Quan trọng hơn, Brexit sẽ một lần nữa đi vào bế tắc. Bà May “hạ đài” có thể đồng nghĩa với việc Anh sẽ tạm thời ngưng áp dụng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, quy định tiến trình ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong vòng ít nhất là sáu tháng. Quan trọng hơn, thiếu đi người lãnh đạo, London sẽ không thể thương thảo lại với Brussels về dự thảo Brexit như những gì mong muốn.
(Nguồn: politico.eu) |
Vòng luẩn quẩn cũ
Người ta đã nói nhiều về những bất lợi mà bà May phải đối mặt trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới, song cần nhớ rằng khó khăn mà người kế nhiệm chiếc ghế Thủ tướng của bà phải đối mặt cũng chẳng thua kém.
Một khi chiến thắng, nhà lãnh đạo mới sẽ phải thành lập chính phủ. Trong bối cảnh đảng Bảo thủ và Công đảng tiếp tục “kẻ tám lạng, người nửa cân”, tân Thủ tướng cần tìm kiếm một liên minh vững chắc, nhằm tránh đi vào vết xe đổ của bà May. Khi đó, hai kịch bản có khả năng xảy ra.
Đầu tiên, nếu chính phủ mới mong muốn thay đổi điều khoản trong dự thảo của bà May hay xây dựng một thỏa thuận hoàn toàn mới, nó sẽ phải gia hạn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, đồng thời liên lạc trực tiếp với giới lãnh đạo EU. Chẳng có gì chắc chắn rằng vị tân Thủ tướng này sẽ giành được thiện cảm từ phía Brussels.
Trước đó, để tăng khả năng thuyết phục Hạ viện, Thủ tướng Theresa May đã tìm đến EU để có được sự nhân nhượng trong một số vấn đề, đặc biệt là việc đảm bảo rằng giải pháp tránh biên giới “cứng” giữa Cộng hòa Ireland và tỉnh Bắc Ireland của Anh sẽ chỉ là tạm thời. Nhưng rồi câu trả lời mà bà nhận được từ các nhà lãnh đạo châu Âu là: Brussels sẽ không mở lại các cuộc đàm phán, dù vẫn để ngỏ khả năng giữ Anh lại trong EU.
Trong trường hợp chính phủ mới mong muốn từ bỏ Brexit hay tiến hành một Brexit “không thỏa thuận”, nó sẽ buộc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Kết quả khảo sát của Reach, công ty mẹ của The Mirror, cho thấy có tới 50% số người được hỏi ủng hộ việc ở lại trong EU và chỉ có 32% ủng hộ việc tiếp tục Brexit. Khi đó, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai có thể đảo ngược mọi thành quả của chính quyền Thủ tướng May và đưa nước London trở về trong vòng tay Brussels.
Nhưng cũng như người dân Anh, lãnh đạo EU đã hết kiên nhẫn với những đấu đá chính trị trong lòng London. Trước thềm chuyến thăm châu Âu của bà May, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết rằng Anh có thể hủy tiến trình Brexit và trở lại EU mà không cần tới sự cho phép của 27 nước thành viên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng khẳng định: “Rõ ràng EU 27 nước muốn giúp Anh. Vấn đề là bằng cách nào?”. Những diễn biến này cho thấy EU mong muốn Anh hoặc phê chuẩn dự thảo Brexit hiện tại, hoặc hủy bỏ toàn bộ tiến trình và cả hai kịch bản này đều không có sự hiện diện của Thủ tướng đương nhiệm.
Khi đó, chỉ có bản lĩnh phi thường cùng sự may mắn mới có thể cứu vãn tương lai chính trị ngày một ảm đạm của bà Theresa May nói riêng và tiến trình Brexit nói chung.