Các đại biểu cắt băng khai mạc ngày hội sách và văn hóa đọc. (Nguồn: Mekong ASEAN) |
Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền là dịp để các thế hệ người Hải Dương hôm nay tỏ lòng tri ân với các bậc Đại khoa, nguyện kế tục và phát huy giá trị của di tích và tôn vinh truyền thống hiếu học xứ Đông xưa, Hải Dương nay.
Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức. Lễ hội thu hút đông đảo các đại biểu, nhân dân; đại diện các trường học trong và ngoài tỉnh; đại diện một số dòng họ; các em học sinh, sinh viên cùng du khách thập phương.
Lễ khai hội Văn miếu Mao Điền và lễ khai mạc Ngày hội sách và văn hoá đọc năm 2024 đã cùng được tổ chức nhằm tôn vinh đạo học, trọng trí tuệ, trí nhân, trọng người hiền tài của xứ Đông xưa, Hải Dương nay. Tại sự kiện, các đại biểu đã cắt băng khánh thành khai mạc Ngày hội sách và văn hoá đọc Việt Nam năm 2024.
Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền năm 2024 diễn ra từ ngày 23-24/3 (tức thứ 7 và chủ nhật 14-15/2 âm lịch). Tiếp theo, từ ngày 25 - 27/3 (từ 16-18/2 âm lịch) diễn ra thi đấu Giải cờ tướng Hội nhà báo tỉnh Hải Dương lần thứ XXVIII. Các nghi lễ và hoạt động đều diễn ra tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền.
Trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động như trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay", chuyên đề "Giới thiệu thân thế sự nghiệp đức thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích"; trưng bày chủ đề “Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền” với các hình ảnh thi cử nho học, thể lệ thi tại khu vực phía đông nhà tiền tế Văn miếu; hoạt động thư pháp, trưng bày triển lãm thư pháp Hán Việt của các nhà thư pháp tỉnh tại gác Chuông sân Bái đường; trưng bày hoa lan; triển lãm sách và trưng bày gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng...
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh trống khai hội. (Nguồn: Mekong ASEAN) |
Văn miếu Mao Điền từ lâu đã trở thành thiết chế văn hoá, giáo dục, khuyến học của tỉnh Hải Dương. Hàng năm, vào dịp tháng 2 và tháng 8 âm lịch tại đây diễn ra lễ hội và lễ dâng hương, nhằm tôn vinh truyền thống khoa bảng, thể hiện sự trân trọng lịch sử.
Phát biểu tại lễ khai hội, ông Nguyễn Văn Công, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội điểm lại ý nghĩa lịch sử của Văn miếu Mao Điền.
Văn miếu Mao Điền tọa lạc tại thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử gần 600 năm và được biết đến là Văn miếu lớn thứ 2 cả nước (sau Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội). Văn miếu Mao Điền nguyên là Văn miếu trấn Hải Dương xưa, khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV), tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) để thờ Khổng Tử. Năm Cảnh Thịnh 9 (1801), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, triều đình đã chuyển Văn miếu từ xã Vĩnh Lại về sáp nhập với trường thi Hương ở tổng Mao Điền, tạo nên một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn.
Trải qua nhiều cuộc binh lửa, biến thiên và mưa nắng thời gian, sau khi được phục dựng và đại trùng tu, tu bổ vào các năm được đẩy mạnh vào các năm 1801, 1806, 1823 và 1825, 1990, 1994, 1995, 1999, 2001, Văn miếu Mao Điền sau nhiều cuộc đại trùng hưng và đặc biệt cuộc đại trùng tu năm 2002 – 2004 mang lại cho di tích một diện mạo mới xứng đáng là quần thể di tích và danh thắng lớn, nổi bật trong bản đồ du lịch Hải Dương, là niềm tự hào của người xứ Đông về truyền thống khoa bảng, góp phần tôn thêm diện mạo văn hóa Hải Dương ở thời kỳ đổi mới.
Văn miếu Mao Điền được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1992 và xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.
Văn miếu Mao Điền là nơi thờ Đức Thánh Khổng Tử - ông tổ của Nho giáo và phối thờ 8 vị Đại khoa tiêu biểu cho các triều đại, các lĩnh vực là người con quê hương Hải Dương và các danh nhân có liên quan sâu sắc với mảnh đất Hải Dương như: Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh; Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh; Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam, Thượng thư Vũ Hữu; Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.
"Công lao và tài đức của các danh nhân mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, đồng thời nhắc nhớ chúng ta hãy luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục - đào tạo và bồi dưỡng nhân tài", ông Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách tại buổi lễ. (Nguồn: Mekong ASEAN) |
| Hội Lim Xuân Giáp Thìn 2024: Điểm đến hấp dẫn lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Công tác tổ chức lễ hội Lim Xuân Giáp Thìn 2024 thể hiện nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên ... |
| Tuyên Quang khai mạc Lễ hội ‘Hương sắc Na Hang’ năm 2024 Tại Lễ hội "Hương sắc Na Hang", nghệ thuật hát Quan làng của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang đã được công nhận ... |
| Khai mạc Ngày hội hoa Sơn tra, khoác lên mình chiếc áo thơ mộng của mùa Xuân Ngày hội hoa Sơn tra năm 2024 đã chính thức khai mạc tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La vào tối 9/3. Sự kiện này ... |
| Khoảnh khắc ấn tượng ngày khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024 Ngày 15/3, Hội Báo toàn quốc 2024 đã chính thức khai mạc. Đây là lần đầu sự kiện được tổ chức tại Thành phố Hồ ... |
| Quảng bá và bảo tồn văn hoá truyền thống qua Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao năm 2024 Tối 23/3, Sở VH,TT&DL Thanh Hoá phối hợp với UBND huyện Quan Hóa tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan văn nghệ dân gian - ... |