Nhỏ Bình thường Lớn

Hai mảng sáng-tối trong ngành ngân hàng Mỹ

Quá trình phục hồi kinh tế chậm và chưa chắc chắn đã làm xuất hiện hai mảng sáng-tối trong ngành ngân hàng Mỹ.

Theo đó các ngân hàng lớn đang lần lượt trả lại các khoản vay cứu trợ khẩn cấp của chính phủ, trong khi các ngân hàng nhỏ tiếp tục chật vật hoạt động, thậm chí phải nhận thêm tiền cứu trợ.

Ngày 23/12, một loạt ngân hàng Mỹ thông báo đã trả nợ chính phủ. Wells Fargo, ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, cho biết đã trả lại khoản vay cứu trợ khẩn cấp trị giá 25 tỷ USD cho chính phủ bằng cách mua lại chứng khoán ưu đãi do Bộ Tài chính phát hành.

Ngân hàng này cũng đã thanh toán 131,9 triệu USD tiền cổ tức, nâng tổng số tiền cổ tức mà ngân hàng đã trả cho số chứng khoán mà Bộ Tài chính sở hữu lên 1.441 triệu USD.

Ngân hàng Citigroup cũng tuyên bố đã trả lại 20 tỷ USD cho chính phủ thông qua việc mua lại chứng khoán ưu đãi của Bộ Tài chính.

Trước đó, chính phủ đã cứu trợ Citigroup 45 tỷ USD, số tiền hỗ trợ lớn nhất mà Chính phủ Mỹ dành cho một ngân hàng vì trước khi suy thoái diễn ra Citigroup từng là tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới. Để thay thế lượng vốn của chính phủ đầu tư vào tập đoàn, Citigroup đã bán khoảng 20,5 tỷ USD cổ phiếu mới.

Trong khi đó, Ngân hàng khu vực Monarch Financial Holdings Inc. có trụ sở tại bang Virginia thông báo vừa hoàn trả 14,7 triệu USD tiền nợ chính phủ thông qua Chương trình cứu trợ các tài sản xấu (TARP). Ngân hàng cũng phát hành chứng chỉ đặc quyền cho phép Bộ Tài chính mua 264.706 cổ phiếu thuộc loại chứng khoán thường với giá 8,33 USD/cổ phiếu.

Khoản vay dành cho 3 ngân hàng nói trên nằm trong chương trình TARP trị giá 700 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ thực hiện từ năm 2008 nhằm ổn định hệ thống tài chính. Trong khuôn khổ chương trình này, Bộ Tài chính Mỹ đã bơm khoảng 453 tỷ USD cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chế tạo ôtô và các công ty khác. Chính phủ hy vọng khoản tiền hoàn trả của các ngân hàng và công ty vào cuối năm sau có thể đạt 175 tỷ USD.

Chín ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã được vay 125 tỷ USD từ chương trình TARP và hầu hết các ngân hàng này đã trả lại tiền. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng này sẽ không phải chịu sự quản lý ngặt nghèo từ chính phủ.

Trong khi nhiều ngân hàng đã thanh toán nợ với chính phủ thì nhiều công ty khác vẫn phải chật vật để tồn tại. Bộ Tài chính Mỹ cho biết đến hết tháng 11 vừa qua, 53 công ty tài chính không thanh toán được tiền cổ tức đối với các khoản tiền mà họ nợ của chính phủ thông qua chương trình TARP.

Những đối tượng thừa hưởng chương trình TARP phải trả cổ tức ở mức 5%/năm trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, mỗi năm trả trong 4 đợt.

Trong một thông báo ra ngày 22/12, Bộ Tài chính cho biết họ vừa cấp vốn cho thêm 8 ngân hàng nữa trong khuôn khổ chương trình TARP.

Tám ngân hàng này là những ngân hàng khu vực, có trụ sở tại bang Pennsylvania, Michigan, Utah, New Jersey, North Carolina và Wisconsin nhận được khoản vay từ 1,23 triệu USD đến 6,06 triệu USD

Theo Vietnam+