Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany chia sẻ với TG&VN về những kết quả mà Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đạt được sau hai năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Cần thêm thời gian để đánh giá hoàn toàn tác động
Ngày 1/8/2022 kỷ niệm hai năm thực thi “hiệp định lịch sử” EVFTA, ông đánh giá thế nào về những kết quả mà hiệp định này mang đến cho EU và Việt Nam?
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany. (Ảnh: NVCC) |
Tôi rất hài lòng với quan hệ kinh Việt Nam-EU thời gian qua. Tuy nhiên, tác động đầy đủ của EVFTA sẽ cần thêm thời gian để đánh giá bởi hai năm thực thi hiệp định, cả Việt Nam và EU đều phải đối mặt bới sự bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 cùng chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành ở Ukraine gây ra.
Dù vậy, không thể phủ nhận, trong hai năm qua, hiệp định đã mang lại nhiều lợi ích.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam-EU đã và đang phát triển. Châu Âu cùng Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau nhờ EVFTA. Dòng chảy thương mại cũng tăng lên nhờ ưu đãi thuế quan mà hiệp định mang lại.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu cũng được đang đa dạng hóa. Việc đa dạng hóa xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho người tiêu dùng châu Âu sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể hơn, kết quả mà EVFTA mang lại thay đổi theo từng lĩnh vực. Châu Âu và Việt Nam có nền kinh tế bổ sung cho nhau, nhờ đó, mỗi bên đều có thể tận dụng tối đa thế mạnh và giảm thiểu hạn chế trong quá trình trao đổi thương mại.
Thông qua EVFTA, các rào cản thương mại đã được giảm bớt. Như vậy, hiệp định đã mang lại lợi ích chủ yếu cho các ngành công nghiệp thế mạnh của châu Âu chưa được quảng bá rộng rãi ở Việt Nam. Đơn cử như thiết bị công nghiệp, công nghệ xanh và thuốc.
Về phía Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi lớn nhất là ngành nông nghiệp, dệt may, nguyên phụ liệu, linh kiện điện tử như máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử.
Thời gian qua, theo ông, doanh nghiệp châu Âu tận dụng được những lợi thế nào khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam?
Bên cạnh việc giúp các doanh nghiệp châu Âu có nhiều lợi thế khi chuyển dịch chuỗi cung ứng hoàn toàn khỏi Trung Quốc hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua chiến lược Trung Quốc+1, thị trường Việt Nam còn mang đến nhiều cơ hội.
Do có nguồn lao động lớn, năng động và trẻ, Việt Nam cung cấp nguồn lực lao động đáng tin cậy, chi phí hợp lý với khả năng sản xuất nhiều ngành. Khi nền sản xuất của Việt Nam đa dạng hóa và năng lực nhân sự được cải thiện, tiềm năng của lực lượng lao động lớn này sẽ ngày càng được nâng cao.
Nhờ triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Con số này góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế-phát triển hàng đầu của Việt Nam. |
Thêm vào đó, vị trí địa lý của đất nước cũng là một lợi thế rất lớn, giúp doanh nghiệp châu Âu dễ dàng tiếp cận các khu vực Đông và Đông Nam Á. Các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Việt Nam dễ dàng tiếp cận một số thị trường tiêu dùng năng động nhất trên thế giới, đồng thời, có thể nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc một cách thuận tiện và tận dụng các tuyến đường vận chuyển trong khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia ổn định, nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng, các khoản đầu tư của họ sẽ được bảo vệ khỏi những thay đổi đột ngột về kinh tế hoặc chính trị.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đưa nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và giữ lạm phát ở mức chấp nhận được, bất chấp những thách thức từ bên ngoài. Điều này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư. Việt Nam đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư châu Âu.
Cả châu Âu và Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau nhờ EVFTA. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
Giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính
Hiện tại, còn thách thức nào đối với cả hai nước trong hiệp định này không, thưa ông?
Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hằng quý của EuroCham khảo sát các thành viên về môi trường kinh doanh của Việt Nam. BCI mới đây cho thấy, các thủ tục hành chính được xác định là rào cản lớn nhất. Các công ty châu Âu gặp khó khăn đáng kể trong việc ứng phó với các quy trình thủ tục hành chính phức tạp của Việt Nam.
Rào cản lớn thứ hai là thiếu hiểu biết về hiệp định.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, các quy định nhập khẩu của châu Âu khá phức tạp. Do đó, một số công ty và lĩnh vực của Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định trong EVFTA và xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.
Thậm chí, một số doanh nghiệp không tính đến việc xuất khẩu sang châu Âu vì điều này. Do đó, các cơ quan có liên quan cần thường xuyên tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo cho doanh nghiệp về những lợi ích mà EVFTA mang lại và các yêu cầu khi áp dụng hiệp định này.
Quy tắc xuất xứ phức tạp của EVFTA cũng hạn chế hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Nguyên liệu đầu vào từ các nước thứ ba có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại châu Âu và ngăn cản doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi thuế quan.
Theo tôi, việc đảm bảo sự phát triển dài hạn của các yếu tố đầu vào và nguồn cung cấp hàng hóa trong nước có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Vậy, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng triệt để lợi ích mà EVFTA mang lại?
Theo đánh giá của tôi, EVFTA chưa mang đến hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Để tối đa hóa lợi ích của EVFTA cho các nhà đầu tư, tất cả các quốc gia thành viên EU phải phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Bằng cách thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, EVIPA sẽ khiến các nhà đầu tư tin tưởng rằng, lợi ích của họ sẽ được bảo vệ. Điều này sẽ cho phép Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và tri thức từ các công ty nước ngoài.
Song song với đó, nguồn nhân lực của Việt Nam cũng cần được cải thiện. Việt Nam có lực lượng lao động lớn nhưng thiếu vốn nhân lực để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư trong các ngành chất lượng cao.
Quốc gia Đông Nam Á cần giảm yêu cầu về thị thực lao động và giấy phép lao động để thu hút nhân tài nước ngoài có tay nghề cao về đất nước. Lao động Việt Nam có thể học hỏi được những bí quyết mà nguồn lao động nước ngoài mang đến.
Thêm vào đó, để tận dụng tối đa lợi thế về nhân khẩu học, đất nước cần đào tạo và chuẩn bị nguồn lao động cho những công việc chuyên biệt. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn khỏi lĩnh vực sản xuất có kỹ năng thấp và cung cấp cho các đối tác thương mại châu Âu nhiều sản phẩm giá trị gia tăng hơn.
Đặc biệt, Việt Nam cần giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính. Việc sử EVFTA nhìn chung rất phức tạp do các thủ tục và văn bản pháp lý của từng quốc gia EU. Tôi nhận thấy, các quy trình kỹ thuật số mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và hoạt động hiệu quả hơn.
Để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam phải áp dụng cách tiếp cận nhanh và đi đầu trong chuyển đổi xanh ở khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Nỗ lực đi đầu trong chuyển đổi xanh
Năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ các chính sách thu hút đầu tư và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu nhờ EVFTA?
Đây là kịch bản rất dễ xảy ra bởi EVFTA là hiệp định cả Việt Nam và châu Âu cùng thắng.
Các công ty châu Âu đang tìm kiếm các thị trường đáng tin cậy và năng động. Việt Nam lại là quốc gia đáp ứng được điều kiện đó.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI. Điều này sẽ giúp Việt Nam dễ dàng đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Với kinh nghiệm trong các ngành công nghiệp xanh, bền vững và sản xuất công nghệ cao, các công ty châu Âu là có thể giúp Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này.
Để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam phải áp dụng cách tiếp cận nhanh và đi đầu trong chuyển đổi xanh ở khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và việc làm không chỉ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư châu Âu mà còn là cơ sở cho phát triển kinh tế trong tương lai.
Với tham vọng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với sự nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, Việt Nam có thể chứng kiến sự bùng nổ các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. |
Với mục đích giúp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tiến trình này, EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2022) từ ngày 28-30/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Sự kiện này sẽ quy tụ các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả và sinh viên từ châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á để thảo luận, tìm kiếm và triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Diễn đàn sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ châu Âu về sự phát triển bền vững thông qua việc chuyển giao công nghệ, quỹ, nguồn lực và kiến thức. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra năm 2021 tại Anh và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Với tham vọng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với sự nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, Việt Nam có thể chứng kiến sự bùng nổ các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Hiệp định EVFTA tác động thế nào đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, thưa ông?
Sự phát triển của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi EVFTA trong cả dài hạn và ngắn hạn.
Kể từ khi được thực thi, EVFTA đã có tác động đáng kể đến thương mại song phương. Quan hệ thương mại ngày càng phát triển với châu Âu và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Việc mở rộng thương mại song phương và nâng cao thương hiệu quốc tế của Chính phủ, doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam sẽ giúp quốc gia này “ghi điểm” ở nước ngoài. Đồng thời, giúp Việt Nam đảm bảo đời sống của người dân bằng cách tạo ra một nền tảng bền vững hơn.
Xin cảm ơn ông!