📞

Hải Phòng phải tạo sức sống mới trong đầu tư kinh doanh

16:00 | 19/09/2016
“Hải Phòng phải tạo một sức sống mới, niềm tin mới, niềm hứng khởi trong đầu tư, làm ăn của người dân và doanh nghiệp”.

Sáng nay (19/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng về tình hình kinh tế - xã hội.

Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, 9 tháng qua, tổng sản phẩm GRDP của Thành phố ước tăng 10,58%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng trên 20%. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 57,58 triệu tấn, tăng 13,86%. Tổng thu ngân sách 9 tháng ước đạt 43.365 tỷ đồng, tăng 14%, trong đó thu nội địa đạt 100% dự toán do Trung ương giao đầu năm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,66 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, đưa Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vào Hải Phòng tăng cao.

Tuy nhiên, trong điều kiện tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng ngày càng cao, nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh triển khai rộng khắp trên địa bàn Thành phố đã gây sức ép rất lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố. Theo ông Lê Văn Thành, đây là một trong những vấn đề nổi cộm đối với Hải Phòng. Bên cạnh đó, việc chi ngân sách còn mất cân bằng, chi thường xuyên là chủ yếu, chi đầu tư phát triển thấp.

“Cả hệ thống phải chuyển động để phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Góp ý cho Thành phố, các thành viên đoàn công tác cho rằng Hải Phòng có tiềm năng phát triển lớn với vị trí là cửa ngõ chính hướng ra biển của cả miền Bắc. Trong khi đó, phát triển cơ sở hạ tầng của “cửa ngõ này” không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Nội đô Thành phố bộc lộ sự quá tải, bất cập so với yêu cầu của một đô thị hiện đại. Các ý kiến cho rằng, Thành phố cần mở rộng không gian đô thị, phát triển các trục đường kết nối với các địa phương trong vùng.

Với lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp, không nên đặt vấn đề phát triển cây lúa đối với một thành phố công nghiệp và dịch vụ mà Hải Phòng nên xem xét hướng vào nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm thế mạnh, có giá trị, nhu cầu tiêu thụ cao hơn như rau và hoa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào sánh được, là thành phố cảng quan trọng bậc nhất của miền Bắc, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí chiến lược nằm trên “2 hành lang, 1 vành đai” hợp tác kinh tế với Trung Quốc…

“Chúng ta phải có khát vọng phát triển để trở thành thành phố biển nổi tiếng, thành phố thông minh, kết nối tốt, phát triển với tốc độ cao và bền vững, nhất là bảo đảm môi trường sống tốt”, Thủ tướng nói, đồng thời cũng chỉ ra những mặt tích cực và mặt tồn tại, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.

Đó là đạt mức tăng trưởng khá cao, công tác thu hút FDI “đặc biệt xuất sắc”, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, như xuất khẩu, thu nội địa, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tốt, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong một số ngành, nhất là ngành dịch vụ, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, một số tuyến đường kết nối với các tỉnh duyên hải chậm được xây dựng. Cải cách hành chính có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của một thành phố cảng hiện đại, thông minh.

Phải luôn trong tốp 10 về cải cách hành chính

Nhấn mạnh yêu cầu Thành phố phải quyết tâm trở thành một đầu tàu quan trọng, góp phần kéo tốc độ tăng trưởng cũng như các mặt khác của cả nước, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ mà Thành phố cần tập trung triển khai thời gian tới.

Trong 13 tỉnh có đóng góp ngân sách Trung ương, Hải Phòng chưa phải tốp đầu và hiện mới chỉ có đóng góp cho ngân sách Trung ương được 12% tổng số thu của mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hải Phòng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp được nhiều hơn nữa cho ngân sách Trung ương, nhất là lúc khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cần triển khai quyết liệt kế hoạch hành động của Thành phố, thực hiện các nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

“Cả hệ thống phải chuyển động để phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cán bộ cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, thành phố tới huyện, xã đề cao trách nhiệm công vụ, hướng tới nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

“Hải Phòng phải luôn trong nhóm 10 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính”, Thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá cao tỉ lệ doanh nghiệp trên dân số của Hải Phòng ở mức cao so với trung bình cả nước, Thủ tướng mong muốn Thành phố “phải có 100.000 doanh nghiệp, mà hiện nay con số mới bằng 1/3”.

Phải tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Chú ý phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, nhất là vận tải đa phương tiện, logistic trong đó có kế hoạch cụ thể khai thác hiệu quả cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện sắp hoàn thành. Phải đặt mục tiêu tăng mạnh lượng hàng qua cảng Hải Phòng.

Hải Phòng cần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú ý quản lý phát triển đô thị trên tinh thần công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lưu ý kiểm soát được các nguồn vốn, không để nợ xấu, quản lý chặt chẽ, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Các đơn vị sự nghiệp công lập phải đi đầu về xã hội hóa.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

“Hải Phòng phải tạo một sức sống mới, một niềm tin mới, một niềm hứng khởi trong đầu tư, làm ăn của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương sẵn sàng cùng với lãnh đạo Thành phố tạo ra sức sống mới này.

Trước các kiến nghị, đề xuất cụ thể của Hải Phòng, Thủ tướng cơ bản nhất trí về chủ trương, giao các bộ, ngành xem xét, giải quyết.