Tác phẩm "YOU: R: CODE" của hai nghệ sỹ Bernd Lintermann và Peter Weibel. (Nguồn: Korea Herald) |
Một câu hỏi đặt ra là, tất cả các chương trình máy tính định hình thế giới sẽ trông như thế nào khi được trưng bày tại viện bảo tàng? Trung tâm nghệ thuật Nam June Paik ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc đã giải quyết câu hỏi này tại triển lãm “Mã mở. Kết nối mạng”, giới thiệu các tác phẩm của 13 nghệ sĩ sử dụng mã số làm chất liệu nghệ thuật sáng tạo.
Chuỗi triển lãm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017 tại Trung tâm Nghệ thuật và Truyền thông ZKM Karlsruhe ở Đức, sau đó được tổ chức ở Ấn Độ, Tây Ban Nha và Trung Quốc, trước khi đến Hàn Quốc vào tháng này.
Khi bước vào không gian phòng trưng bày, những người tham dự ngay lập tức bị thu hút bởi hình ảnh phản chiếu trong gương của tác phẩm “YOU: R: CODE”. Tiếp đó, người tham quan sẽ được quét kỹ thuật số và hình ảnh được hiển thị trên màn hình LED dưới dạng ảnh ghép của các biểu tượng truyền thông xã hội. Sau khi chuyển đổi hoàn toàn sang dữ liệu kỹ thuật số, họ đã sẵn sàng để bước vào thế giới của “Mã mở”.
Tác phẩm “BITTERCOIN: The Worst Miner Ever” cho người xem có những cảm nhận thú vị về cơn sốt tìm kiếm bitcoin gần đây. Theo đó, hai nghệ sỹ người Tây Ban Nha đã cố tình hack một máy tính cũ và cứ sau hai phút, máy tính sẽ in ra một biên lai dài 9cm ghi lại tất cả các giao dịch bitcoin. Việc hàng đống biên lai tiếp tục tăng cho đến khi kết thúc triển lãm sẽ giúp du khách tham quan hình dung lượng tài nguyên vật chất cần thiết để khai thác bitcoin.
Christian Lolkes – người phụ trách Trung tâm nghệ thuật Nam June Paik cho biết: “Việc người khai thác in ra nhiều giấy cho thấy ý tưởng tiêu thụ tài nguyên khổng lồ được thực hiện bởi thứ mà bạn không thể chạm vào, cảm nhận hoặc nhìn thấy được. Cuộc sống được quyết định dựa trên dữ liệu, nhưng con người không bao giờ thực sự nhìn thấy chúng, cũng như không nhìn thấy được những gì diễn phía sau dữ liệu”.
Có không ít nhận xét rằng, những bảo tàng như trên đã phản ánh cách thức phát triển của rất nhiều phần mềm ngày nay. Có những ngôn ngữ lập trình hoàn chỉnh không phải do một công ty phát minh ra, mà được phát triển bên trong một cộng đồng thông qua trao đổi.
Qua đó, con người sẽ cảm thấy gần gũi hơn với các tác phẩm nghệ thuật, bởi vì chủ đề về mã và câu hỏi kỹ thuật số là những thứ rất thực tế và gần gũi với mỗi chúng ta.