Mới đây, tại Quảng trường thành phố Seoul, 3.000 bà nội trợ Hàn Quốc đã cùng nhau làm ra 250 tấn kim chi dành tặng cho 25.000 gia đình thu nhập thấp không có khả năng làm kim chi cho bữa ăn hàng ngày. Kim chi được làm ở dạng cổ điển nhất, gồm bắp cải trộn với ớt bột, muối, tỏi, gừng và hành. Theo tờ Korea Times, hoạt động từ thiện thú vị này được tổ chức thường niên từ năm 2008 và hướng tới việc giành một chỗ đứng trong sách kỷ lục Guinness.
Tuy nhiên, đối với cô Jin Hae-Kyung, mục đích khi tham gia sự kiện này là mong muốn các con mình học cách làm kim chi và cảm nhận được hương vị kim chi truyền thống. "Thật đáng buồn khi văn hóa truyền thống của chúng tôi đang dần biến mất", cô nói.
Nguy cơ từ sự "thâm hụt"
Thực tế, việc tìm thấy kim chi có nguồn gốc bản địa lại không hề dễ dàng tại nơi sản sinh ra món ăn độc đáo này. Tình trạng thiếu hụt lớn tới mức người ta phải nhập khẩu kim chi từ các nơi khác về. Ngoài các nhà hàng cao cấp, phần lớn cửa hàng ăn ở Seoul và một số thành phố khác giờ đây đều phục vụ món kim chi do Trung Quốc sản xuất bởi mức giá rẻ hơn rất nhiều. Hiện giá bán buôn kim chi Trung Quốc vào khoảng 800 won/kg, so với mức 3.000 won/kg kim chi gốc bản địa.
Có thể nói, sự thâm hụt về sản xuất kim chi ở Hàn Quốc đã xuất hiện từ năm 2006, tiếp theo đó là cuộc khủng hoảng kim chi vào năm 2010. Khi ấy, Hàn Quốc phải đón một mùa hè ẩm ướt, nhiều mưa và hậu quả là các loại cải trồng nội địa vốn có giá chỉ chừng 1 USD/cây đã tăng vọt lên gần 10 lần. Các nguyên liệu cần thiết để làm món ăn truyền thống của Hàn Quốc như tỏi và củ cải cũng tăng giá gấp đôi. "Cơn khát” kim chi từng dẫn tới những phản ứng tiêu cực trong xã hội như xuất hiện những băng tội phạm chuyên đi ăn trộm tại các trang trại trồng cải thảo hẻo lánh...
Theo Công ty thương mại nông, hải sản và thực phẩm Hàn Quốc (KAFTC), năm 2012, Hàn Quốc xuất khẩu lượng kim chi trị giá 106,6 triệu USD, với 80% vào Nhật Bản. Nhưng hoạt động nhập khẩu lại cao hơn, lên đến 110,8 triệu USD với 90% kim chi nhập từ Trung Quốc. Như vậy, sự thâm hụt thương mại là 4,2 triệu USD. Cuối tháng 9 vừa qua, mức thâm hụt đã chạm mốc 10 triệu USD, chủ yếu do sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản.
Có thế biến mất ngay trên sân nhà?
Người Hàn Quốc đã rất tự hào khi Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama nhắn tin lên mạng xã hội Twitter về một công thức muối kim chi ở Nhà Trắng vào tháng 2/2013. Món ăn này còn được kỳ vọng sẽ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) coi là di sản văn hóa phi vật thể trong phiên họp tới đây tại thủ đô Baku (Azerbaijan). Thế nhưng, như một quan chức KAFTC đã phát biểu thì: "Thật đáng tiếc khi kim chi sản xuất nội địa lại đang biến mất khỏi các nhà hàng địa phương. Đã có những quan ngại về an toàn thực phẩm liên quan tới kim chi và một số nhà hàng thậm chí đã nói dối khách hàng về nguồn gốc của nó". Có lẽ, với những người phụ nữ đã tham gia sự kiện làm kim chi từ thiện vừa qua, thì tiếng tăm của kim chi cũng không được họ quan tâm bằng việc duy trì truyền thống làm kim chi tại nhà, cùng với hàng xóm.
Là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Hàn Quốc, mùa đông ở xứ Hàn là mùa làm kim chi vì có nhiều bắp cải và hương vị cay nồng rất phù hợp với tiết trời lạnh. Các gia đình và hàng xóm ở Hàn Quốc thường tụ họp cùng nhau vào mỗi tháng 11 để làm kim chi chuẩn bị cho mùa đông. Họ chia sẻ thành quả với nhau và qua đó, tình cảm cộng đồng cũng được nhân lên. Đáng tiếc, hiện nay, sự thay đổi về cấu trúc gia đình và xã hội trong một đất nước phát triển nhanh đã khiến hoạt động này diễn ra ít đi, đặc biệt là đối với thanh niên Hàn Quốc.
HÀ ANH (Theo AFP, Korea Times)