📞

Hàn Quốc tăng cường đào tạo khẩn cấp nguồn nhân lực công nghệ cao

Khánh Vân 10:24 | 16/07/2022
Chính phủ Hàn Quốc đang xúc tiến áp dụng một chương trình dự kiến mang tên “Hệ thống hạn ngạch hợp đồng” nhằm đào tạo khẩn cấp nhân lực kỹ thuật trong các ngành công nghệ cao.

Hàn Quốc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

Hệ thống mới này nhằm tăng tính linh hoạt thông qua cách thức đặt hàng tạm thời để có thể điều chỉnh chỉ tiêu các khoa, ngành liên quan tại các trường đại học.

Hệ thống hạn ngạch hợp đồng đang được Bộ Khoa học và CNTT, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thảo luận nhằm tạo ra một hệ thống học thuật linh hoạt kết hợp giữa giáo dục đại học cơ bản và giáo dục ứng dụng từ các doanh nghiệp.

Theo đó, với các ngành đang cần nhân lực, có thể tăng số lượng khoa kỹ thuật tại các trường đại học trong khu vực đô thị lên 10% chỉ trong một năm mà không bị hạn chế bởi quy định tổng hạn ngạch tuyển sinh đối với nhóm trường này.

Do chỉ là hệ thống hạn ngạch tạm thời theo đặt hàng của chính phủ nên ngay cả các khoa, ngành không có trong danh mục tuyển sinh cũng có thể được dành một tỷ lệ nhất định để đào tạo liên kết với các công ty, doanh nghiệp cụ thể.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ áp dụng hệ thống hạn ngạch hợp đồng ngay từ đầu năm 2023 khi năm học mới bắt đầu. Kế hoạch cụ thể sẽ được công bố sau khi Bộ Khoa học và CNTT và Bộ Giáo dục thống nhất về nhu cầu nhân lực từ các doanh nghiệp, cũng như khả năng đào tạo của các trường đại học.

Nguồn tin từ Bộ Khoa học và CNTT cho biết, lý do chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy việc áp dụng hệ thống hạn ngạch theo đặt hàng là vì tình trạng thiếu nhân lực tại các khu công nghiệp đang rất nghiêm trọng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước đang thiếu hụt khoảng 3.000 nhân lực mỗi năm. Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc gần đây dự báo nguồn cung và nhu cầu về nhân lực có trình độ cử nhân trở lên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ thiếu khoảng 47.000 nhân lực trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2028.

Ngoài chương trình trên, Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc cũng đang xúc tiến giới thiệu “Chương trình học tập nhanh” cho phép sinh viên lấy bằng cấp trong thời gian ngắn.

Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) từ tháng 9 năm nay sẽ tiến hành đào tạo Hệ thống chứng chỉ cấp tốc chỉ trong một năm. Trong khi đó, từ năm tới, các chương trình cử nhân kỹ thuật số và thạc sĩ tại mỗi trường đại học cũng sẽ được mở rộng song song với việc chính phủ mở rộng các chương trình hỗ trợ lâu dài và ổn định cho các nhà nghiên cứu xuất sắc kéo dài tối đa 10 năm.

Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao nêu trên phù hợp chủ trương của chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy các công nghệ mới như chất bán dẫn, công nghệ sinh học và hàng không vũ trụ với sự hợp tác của khu vực tư nhân.

Trong các lĩnh vực mà thị trường mới khai mở như truyền thông lượng tử, sinh học và công nghệ thông tin thế hệ thứ 6 (6G), chính phủ Hàn Quốc chủ trương phát triển các công nghệ cơ bản và cốt lõi sớm để bảo đảm các bằng sáng chế cốt lõi. Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ cũng là lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên đầu tư phát triển.

Trong khi đó, các công nghệ vũ trụ như vệ tinh và phương tiện phóng sẽ được chuyển giao cho các công ty tư nhân để thúc đẩy cơ chế doanh nghiệp tích hợp hệ thống có khả năng vừa sản xuất vừa vận hành phóng.

Để tăng tốc độ công tác nghiên cứu phát triển (R&D), khu vực tư nhân có thể tham gia vào việc thiết kế các dự án R&D bằng cách vận hành một cơ quan tham vấn công-tư bao gồm các bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp. Chính phủ cũng phân loại các nghiên cứu tiền khả thi theo mức chi phí để đưa ra cơ cấu thẩm định hợp lý nhằm rút ngắn và tăng hiệu quả của quy trình.

(theo TTXVN)