Năm ngoái, cô Doh Woo-gyung, 44 tuổi ở Busan quyết định gửi cậu con trai khuyết tật đến học tại một trường trung học công lập trong thành phố thay vì trường học dành riêng cho người khuyết tật. “Tôi hy vọng thông qua việc giao tiếp và học tập với các bạn cùng lớp, con trai mình sẽ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng”, cô Doh chia sẻ.
Kỳ vọng từ lớp học hòa nhập
Giống như cô Doh, rất nhiều phụ huynh Hàn Quốc đã mạnh dạn gửi con đến các trường phổ thông theo mô hình lớp học hòa nhập (lớp học cho phép học sinh khuyết tật học cùng với các học sinh bình thường) với kỳ vọng con mình sẽ được giáo dục và đối xử bình đẳng như những học sinh khác.
Năm 1994, mô hình này bắt đầu triển khai tại Hàn Quốc sau một loạt những cải cách về giáo dục và khuyến học hướng tới bảo vệ quyền bình đẳng trong giáo dục của những người khuyết tật. Nhiều trường công lập từ tiểu học đến trung học phổ thông tại các tỉnh, thành phố đã mở thêm các lớp học hòa nhập với nhiều trang thiết bị hỗ trợ chuyên dụng dành cho các học sinh khuyết tật.
Các trường phổ thông công lập là môi trường lý tưởng giúp học sinh khuyết tật thêm hứng thú học tập. (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2015, nước này có 2,4 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng 88.000 người ở độ tuổi đi học và 70% số này đang tham gia các lớp học hòa nhập.
Để nâng cao chất lượng của hoạt động giáo dục đặc biệt này, năm 1994, Chính phủ Hàn Quốc thành lập Viện Giáo dục đặc biệt quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo các giáo viên chuyên biệt cho mô hình giáo dục hòa nhập tại các trường phổ thông.
“Môi trường tại các trường phổ thông công lập là lý tưởng giúp học sinh khuyết tật thêm hứng thú học tập. Không chỉ được học kiến thức, các em sẽ có cơ hội tương tác và hòa nhập với xã hội xung quanh, từ đó bớt cảm giác tự ti, mặc cảm”, Giáo sư chuyên ngành Giáo dục đặc biệt Cho Hong-joong thuộc Đại học Quốc gia Chonnam (tỉnh Gwangju) cho biết.
Những phản ứng trái chiều
Dù tỷ lệ học sinh khuyết tật tham gia vào các lớp học hòa nhập khá cao nhưng không ít ý kiến cho rằng, mô hình này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một trong những trở ngại lớn nhất là tình trạng thiếu giáo viên và phương tiện hỗ trợ thích hợp giúp học sinh khuyết tật làm quen với môi trường học đường. Hàn Quốc hiện chỉ có khoảng 18.000 giáo viên được đào tạo chuyên ngành về giáo dục đặc biệt, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ giáo viên được đào tạo các chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, cũng không ít trường công lập Hàn Quốc có xu hướng tách riêng các lớp cho học sinh khuyết tật. Các em sẽ theo học một chương trình đặc biệt dưới sự hướng dẫn của các giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt cùng các trợ giảng.
Báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy, trong số 70% học sinh khuyết tật tại các trường công lập, chỉ có khoảng 18% học sinh thực sự được tham gia vào các lớp học hòa nhập. Năm 2015, khoảng 9.900 lớp học dành cho trẻ khuyết tật đã bị tách ra khỏi hệ thống giáo dục chung, tăng 42% so với năm 2007.
Sau khi được công bố, báo cáo này gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía các bậc phụ huynh và các chuyên gia giáo dục. Nhiều người nhận định, những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua nhằm đảm bảo cho những người khuyết tật – nhóm người yếu thế trong xã hội được tiếp cận hệ thống giáo dục một cách bình đẳng- trên thực tế là những nỗ lực “nửa vời”.
“Đã đến lúc cần phải đánh giá lại chương trình giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Mang tiếng là đến trường học để hòa nhập cùng các bạn nhưng nhiều học sinh khuyết tật vẫn bị phân biệt đối xử”, ông Lee Moon–hi, Chủ tịch một tổ chức đại diện cho quyền của người khuyết tật Hàn Quốc bức xúc.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc lý giải, việc tổ chức các lớp học đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật xuất phát từ nhu cầu thực tế là không phải học sinh khuyết tật nào cũng đủ khả năng theo kịp các chương trình thông thường. “Tùy theo trình độ nhận thức của từng em và dựa trên những tiêu chí nhất định mà các mỗi học sinh khuyết tật có thể được bố trí vào một môi trường giáo dục phù hợp”, một quan chức ngành giáo dục Hàn Quốc khẳng định.
Một số tổ chức đại diện cho quyền lợi của người khuyết tật cũng cho rằng, phương pháp giáo dục hòa nhập nếu không được triển khai thích hợp có thể gây tác dụng ngược, vô hình chung sẽ tạo áp lực không nhỏ lên những em học sinh không may bị khuyết tật nặng.
“Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia châu Á hiện nay đang quá tập trung vào thi cử và điểm số. Nếu không thay đổi, sẽ khó có chỗ cho người khuyết tật. Mục tiêu cuối cùng của phương pháp giáo dục hòa nhập là phải tôn trọng sự khác biệt, từ chủng tộc, giới tính cho tới khả năng thể chất”, một chuyên gia giáo dục khuyến nghị.