Ngày 29/3, Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức đàm phán cấp cao tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận về Thượng đỉnh song phương giữa lãnh đạo hai nước, dự kiến diễn ra vào cuối tháng Tư. Phía Hàn Quốc đã cử Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon làm trưởng đoàn trong khi phái đoàn Triều Tiên do ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên, dẫn đầu.
Theo đề xuất của Hàn Quốc, tại cuộc hội đàm cấp cao này, hai bên tập trung thảo luận về các nội dung cơ bản chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều tới, bao gồm lịch trình hội nghị, chương trình nghị sự và thành phần tham dự.
Tín hiệu tích cực
Các cuộc đàm phán quan trọng giữa hai miền Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đang chuyển biến tích cực, đặc biệt kể từ Olympic mùa Đông Pyeong Chang 2018.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp đặc phái viên Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng ngày 5/3. (Nguồn: KCNP) |
Ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ phái đoàn Hàn Quốc ngày 5/3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã dành đến 4 giờ đồng hồ để tiếp đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông bày tỏ “ý chí vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ” quan hệ với Hàn Quốc và “viết nên trang sử mới thống nhất hai miền”. Hai bên cũng đồng thuận tổ chức thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.
Một đột phá khác là việc Bình Nhưỡng bày tỏ ý định đàm phán thẳng thắn với Mỹ về phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều. Đây là sự thay đổi quan điểm rõ rệt của lãnh đạo Kim Jong-un sau khi Bình Nhưỡng nhiều lần cương quyết rằng chương trình hạt nhân sẽ không thể là chủ đề của bất cứ cuộc đàm phán nào. Có thể nói, thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào cuối tháng Năm tới là nỗ lực hiếm hoi của cả Washington và Bình Nhưỡng nhằm hóa giải căng thẳng đã tồn tại qua nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, mọi diễn biến trên bán đảo Triều Tiên có liên quan mật thiết đến Hàn Quốc và Seoul muốn chắc chắn rằng lợi ích quốc gia của mình, đặc biệt là vấn đề an ninh, phải được đảm bảo trong cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, Do đó, không sai nếu nhận định rằng cuộc hội đàm giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un vào tháng Tư chính là bước đệm xúc tiến cho lần giáp mặt lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ - Triều tháng Năm tới.
Mỗi bên một toan tính
Trong mấy ngày qua, Hàn Quốc đã tích cực gửi phái đoàn đi thương thảo với những nước có liên quan, nhằm thúc đẩy cho cuộc gặp có khả năng dẫn đến hòa bình và phi hạt nhân hóa cho bán đảo Triều Tiên. Vị lãnh đạo Nhà Xanh thậm chí còn đề cập đến khả năng thượng đỉnh tay ba Hàn – Triều – Mỹ tùy theo diễn biến tình hình.
Không ngần ngại đóng vai trò trung gian hòa giải, Hàn Quốc đang thể hiện tham vọng cùng lúc đạt được hai mục tiêu. Đầu tiên, nước này muốn xây dựng mối quan hệ nồng ấm vừa le lói với Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul cũng đồng thời ngăn chặn nguy cơ rạn nứt quan hệ đồng minh với Washington.
Trong khi đó, thái độ thân thiện của Triều Tiên nhiều ngày qua khiến giới quan sát khá bất ngờ. Phải chăng dấu hiệu hòa giải khó tin trong quan hệ liên Triều gần đây cùng với ý định ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ đều là bước đi chiến thuật của Triều Tiên? Mục đích của những động thái này có thể nhằm làm suy yếu các lệnh trừng phạt và giảm sức ép từ cộng đồng quốc tế lên chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Một động thái thu hút nhiều sự chú ý khác của Triều Tiên là việc Chủ tịch Kim Jong-un đã bất ngờ thăm chính thức Trung Quốc ngày 26/3. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011. Tuy nội dung cụ thể của cuộc hội đàm giữa ông Kim Jong-un và người đồng cấp nước chủ nhà Tập Cận Bình không được tiết lộ, song hầu hết giới chuyên gia đều đánh giá hai bên đã tiến hành thảo luận về thượng đỉnh Hàn – Triều và Mỹ – Triều sắp tới.
Một số nhận định rằng ông Kim Jong-un cần có hậu thuẫn từ “người bạn Trung Hoa” trước khi đối mặt với Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng có thể đây chỉ là một động thái nhằm xoa dịu với Bắc Kinh. Mỗi bên liên quan đều mang theo những toan tính riêng trước khi bước vào bàn đàm phán vì tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Còn quá sớm để hy vọng căng thẳng cố hữu trên bán đảo này sẽ sớm được giải quyết. Dẫu vậy, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao liên Triều “tan băng”, những diễn biến tích cực mới sẽ góp phần duy trì bầu không khí thân thiện vừa được thiết lập, tạo điều kiện cho tái khởi động các cuộc đối thoại vì hòa bình.