Thoạt nghe sẽ tưởng rằng đây là một chuyến bay thông thường như của các hãng hàng không khác, nhưng với Air Berlin, sự kiện này vô cùng đáng nhớ, bởi đó là chuyến bay cuối cùng sau gần 40 năm hoạt động của hãng hàng không lớn thứ hai nước Đức.
Trước đó, ngày 15/8 vừa qua, Air Berlin đã đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Berlin -Charlottenburg do kinh doanh thua lỗ, cũng như không còn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Etihad Airways - cổ đông chính của hãng này và cũng là một trong những hãng hàng không lớn nhất tại vùng Vịnh.
Việc Air Berlin tuyên bố phá sản được nhận định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải hàng không ở Đức, đặc biệt là đối với những hành khách đã đặt vé trước. Chính phủ Đức đã quyết định cấp cho Air Berlin khoản vay 150 triệu Euro (tương đương 175 triệu USD) để duy trì hoạt động, trong bối cảnh hãng này sẽ phải dừng tất cả các các chuyến bay vào cuối tháng 10 này để thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng tài sản với các nhà thầu.
Máy bay cũng hãng Air Berlin. (Nguồn: The Local) |
Trước khi thực hiện chuyến bay cuối cùng nói trên, Air Berlin đã đạt được thỏa thuận trị giá 40 triệu Euro (khoảng 46,4 triệu USD) với hãng hàng không giá rẻ EasyJet của Anh về một số hoạt động ở sân bay Berlin Tegel, trong đó có việc cho thuê 25 máy bay A320. EasyJet cũng dự kiến sẽ tuyển dụng trở lại khoảng 1.000 phi công và nhân viên hàng không của Air Berlin trong những tháng tới.
Trước đó, ngày 12/10, ban lãnh đạo Lufthansa - hãng hàng không lớn nhất của Đức - cũng đã ký hợp đồng mua 81 trong 144 máy bay của Air Berlin và dự kiến tiếp quản 3.000 trong số 8.500 nhân viên của hãng này. Trị giá của thỏa thuận không được hai bên tiết lộ. Tuy nhiên, truyền thông Đức cho rằng giá trị hợp đồng này có thể lên tới 300 triệu Euro (356 triệu USD).
Ngoài ra, vẫn còn nhiều nhà đầu tư đang "xếp hàng" để chờ mua lại cổ phần của Air Berlin cũng như tiếp quản vị trí đỗ máy bay của Air Berlin trên thế giới, trong đó có IAG, tập đoàn hiện sở hữu hãng hàng không hàng đầu của Anh British Airways.