📞

Hàng hóa phương Tây vẫn có cách ‘định cư’ tại Nga, đây là lý do khiến đòn trừng phạt Moscow kém hiệu quả

Hải An 08:29 | 13/05/2023
Bất chấp các gói trừng phạt chưa từng có của phương Tây, nền kinh tế Nga không hề bị phá hủy mà chỉ đơn thuần được cấu trúc lại, định hướng lại để nhìn về phía Đông và Nam hơn là hướng Tây.
Bản thân châu Âu đã phải trả giá đắt khi cấm năng lượng của Nga. (Nguồn: Export.org.uk)

EU thất bại trong trừng phạt Moscow?

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, các nước phương Tây đã nhanh chóng áp dụng “chiến lược hai hướng” nhằm vào Moscow.

Một là, phương Tây không trực tiếp tham gia vào xung đột quân sự, nhưng sẽ hỗ trợ Kiev bằng vũ khí và các thiết bị quân sự khác. Về mặt này, có vẻ như họ đã đạt được thành công đáng kể. Ukraine đã có một số bước tiến trên thực địa với các lực lượng Nga và đẩy lùi họ khỏi nhiều khu vực.

Hai là, các quốc gia phương Tây tiến hành “cuộc chiến” về kinh tế đối với Moscow, gây ra cú sốc tài chính và nguồn cung ở quy mô chưa từng thấy trước đây.

Nga gần như bị cắt đứt hoàn toàn với hệ thống tài chính toàn cầu bởi các biện pháp trừng phạt và bị tẩy chay đối với tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu, trừ những mặt hàng nhân đạo như thuốc men. Mục đích là khiến nền kinh tế Nga sụp đổ và phải kết thúc chiến dịch ở Ukraine.

Tuy nhiên, dường như, hướng chiến lược thứ hai này không đạt được hiệu quả như mong muốn. Rất ít người nhận thức được các lệnh trừng phạt đang diễn ra kém hiệu quả như thế nào.

Bản thân châu Âu đã phải trả giá đắt khi cấm năng lượng của Nga. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Vương quốc Anh từ Nga đạt tổng cộng 4,5 tỷ Bảng Anh. Tuy nhiên, trong năm tính đến tháng 1/2023, con số này giảm xuống chỉ còn 1,3 tỷ Bảng.

Năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) mua 39% khí đốt và 23% dầu mỏ từ Nga. Tới quý III/2022, con số này lần lượt giảm xuống còn 15% và 14%.

Nga thành công chuyển hướng dòng chảy thương mại

Mặc dù vậy, những thống kê trên không giải thích được quy mô của sự kém hiệu quả trong các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.

Rõ ràng, trong khi phương Tây muốn tiến hành một “cuộc chiến” kinh tế thì phần còn lại của thế giới lại không. Khi xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu giảm, Nga đã nhanh chóng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ với giá chiết khấu.

Không những thế, một số lượng dầu của Nga xuất khẩu sang Ấn Độ dường như đã bị hút trở lại châu Âu, với sự gia tăng số lượng tàu chở dầu tinh chế từ Ấn Độ qua Kênh đào Suez.

Ngoài ra, dường như cũng có một số đường vận chuyển hàng hóa khác. Một cuộc điều tra của tờ Bild (Đức) phát hiện rằng, có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang các nước giáp biên giới với Nga.

Chẳng hạn, nhập khẩu xe cơ giới của Đức vào Kazakhstan tăng 507% trong giai đoạn 2021-2022 và tới Armenia tăng 761%. Xuất khẩu sản phẩm hóa chất sang Armenia tăng 110% và Kazakhstan tăng 129%. Doanh số bán thiết bị điện và máy tính cho Armenia tăng 343%.

Theo tờ FT ngày 11/5, số hàng hóa trị giá hơn 1 tỷ Euro từ EU đã "biến mất" khi được vận chuyển quá cảnh qua Nga trên đường đến thị trường cuối cùng ở Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Cụ thể, một cuộc kiểm tra tại chỗ đối với hàng xuất khẩu trị giá 2 tỷ Euro từ EU cho thấy, chỉ một nửa số hàng này đến tay người nhận cuối cùng, phần còn lại “dừng chân” tại Nga.

Các quan chức phương Tây cho rằng, dòng chảy thương mại này đã giúp Điện Kremlin duy trì nền kinh tế trong bối cảnh xung đột với Ukraine.

Bài báo lưu ý, những hàng hóa này có thể được nhập khẩu trực tiếp vào Nga từ EU với lý do là chúng chỉ quá cảnh. Và bằng các “thủ thuật” kê khai hải quan, những hàng hóa này đã “né” được các biện pháp trừng phạt của EU.

Do đó, Moscow vẫn tiếp cận được những mặt hàng quan trọng như linh kiện máy bay, thiết bị quang học và tua-bin khí.

Không dễ để xác định điều gì đã xảy ra với đường đi của hàng hóa trên khi chúng đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nhưng một lời giải thích tương đối hợp lý là chúng đã “định cư” ở Nga khi dòng chảy thương mại chuyển hướng. Và ngay cả khi những mặt hàng đó không được tái xuất chính ngạch, nhiều công dân Nga được miễn thị thực vào các quốc gia đó và có thể vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Phương Tây đã đặc biệt có biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm tới những người Nga giàu có. Nhưng trớ trêu thay, họ lại là những người có thể dễ dàng tiếp cận hàng hóa phương Tây nhất thông qua thương mại chuyển hướng.

Khi xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu giảm, Nga đã nhanh chóng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc với giá chiết khấu. (Nguồn: RIA)

Hầu hết những người Nga giàu có đều có hộ chiếu kép, có đủ khả năng đi du lịch nước ngoài để mua sắm những món đồ xa xỉ. Do đó, thiếu một cuộc tẩy chay toàn cầu chống lại Nga, rất khó để ngăn hàng hóa do phương Tây sản xuất đến tay những người Nga giàu có.

Phương Tây tiến hành các biện pháp trừng phạt Moscow với mục tiêu ngăn chặn nguồn thu của Điện Kremlin, đồng thời tăng ảnh hưởng của phương Tây trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới lại không lựa chọn con đường đi này. Kết quả là các biện pháp trừng phạt dường như phản tác dụng.

Vào tháng 4 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nga giảm 8,5% vào năm 2022 và 2,3% trong năm nay. Tuy nhiên, thống kê chính thức cho thấy, GDP của nước này chỉ giảm 2,1% trong năm 2022 và năm nay, IMF dự báo mức tăng nhẹ là 0,7%.

Bất chấp xung đột ở Ukraine đang diễn ra căng thẳng hơn nhiều so với những gì nhiều người có thể tưởng tượng vào tháng 2 năm ngoái, nền kinh tế Nga không bị phá hủy. Nó chỉ đơn thuần được cấu hình lại, định hướng lại để nhìn về hướng Đông và Nam hơn là hướng Tây.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow không hẳn không mang lại hiệu quả nào. Nga không phải không hề bị tổn hại trước 10 gói trừng phạt chưa từng có, dù rằng hiệu quả của chúng chưa theo mong muốn của người áp đặt.

(theo Spectator, FT)