📞

Hành lang kinh tế Việt - Trung: Đã hội đủ yếu tố

14:35 | 22/11/2009
Tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc lần thứ V diễn ra từ 19–20/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh hiện nay đã hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để hai nước phối hợp đẩy nhanh việc xây dựng hành lang hợp tác kinh tế 5 tỉnh, thành phố của hai nước.
Cửa khẩu Lào Cai là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với Tây Nam Trung Quốc.
Tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc lần thứ V diễn ra từ 19–20/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh hiện nay đã hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để hai nước phối hợp đẩy nhanh việc xây dựng hành lang hợp tác kinh tế 5 tỉnh, thành phố của hai nước.

Chủ động xây dựng hợp tác

 

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tăng dần qua các năm và Trung Quốc hiện vẫn duy trì là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước đều khẳng định, kim ngạch thương mại tại khu vực biên giới vẫn còn khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự khác biệt về chính sách pháp luật, quy định pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật giữa hai nước, hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt) còn nhiều hạn chế, việc trao đổi thông tin cũng chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và tình hình biến động kinh tế của hai nước cũng ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các thỏa thuận hợp tác.

 

Vân Nam là tỉnh nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc tiếp giáp với tỉnh Lào Cai và thuộc Tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong tuyến hành lang kinh tế này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa hai Chính phủ. Các địa phương trong hành lang kinh tế này có nhiều tiềm năng hợp tác nhất là trong các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông, vận tải, nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.

 

 Đề cập định hướng tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu lên một số điểm chính: Thứ nhất, cần làm rõ những tồn tại và trở ngại trong quá trình hợp tác để xây dựng những chương trình, dự án hợp tác trọng điểm cần ưu tiên thực hiện. Thứ hai, đẩy nhanh việc nâng cấp mạng lưới giao thông nội hành lang, trọng điểm là tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, khớp nối hệ thống giao thông của Việt Nam với Vân Nam. Thứ ba, cần tìm kiếm những hình thức linh hoạt để đưa quy mô thương mại hai chiều đạt kim ngạch 25 tỉ USD năm 2010. Thứ tư, các tỉnh, thành của Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp và trung tâm thương mại, các khu kinh tế xuyên biên giới.

 

Chú trọng “thị trường nội bộ”

 

Tại tọa đàm “Hậu suy giảm kinh tế và cơ hội hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành phố thành viên” trong khuôn khổ Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT – XH Hà Nội cho rằng, hành lang kinh tế Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội, Hải Phòng – Quảng Ninh giống như một con đường hướng ra biển. Trong hành lang đó, 5 địa phương giống như 5 điểm nút của cả tuyến đường. Tuy nhiên, hợp tác giữa các địa phương hầu như mới tập trung vào những điểm nút trong hành lang và chủ yếu hướng ra thị trường thế giới. Với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và xu thế bảo hộ mậu dịch trong thời kì đầu phục hồi, cần xem xét và chú trọng hơn đến “một thị trường nội bộ” vài chục triệu dân trong 5 tỉnh, thành phố. Đây chính là một thị trường đầu ra hấp dẫn cho sản xuất của hành lang kinh tế.

 

Ông Dương kiến nghị cần xây dựng chuỗi giá trị trong hành lang kinh tế. Để làm được điều đó, chính quyền các địa phương trong hành lang cần chủ động xúc tiến các cuộc gặp mặt, trao đổi, giữa các doanh nghiệp có thương hiệu, có lợi thế cạnh tranh để hợp tác xây dựng chuỗi giá trị hành lang.

 

Theo PGS. TS. Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc (Việt Nam), hai nước, đều là thành viên của WTO, cần lợi dụng những điều khoản mà WTO cho phép để thực hiện những chính sách ưu đãi nhất ở khu vực biên giới. Về mặt giải pháp, hai nước cần cụ thể hóa chương trình hành động của địa phương mình với những cơ chế hợp tác thông thoáng và giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả hợp tác, thành lập Diễn đàn doanh nghiệp 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung để trao đổi thông tin, tìm hiểu môi trường hợp tác...

 

Về phát triển tiềm năng du lịch, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nhữ Thị Hồng Liên, một trong những vướng mắc lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng. Quảng Ninh hiện có tiềm năng rất lớn về du lịch và du khách Trung Quốc rất yêu thích vịnh Hạ Long, nhưng hệ thống đường bộ kết nối giữa Quảng Ninh với Vân Nam còn chưa tốt. Bà Liên kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện giữa Quảng Ninh và Vân Nam. Bên cạnh đó, phía Vân Nam có thể hợp tác với Quảng Ninh xây dựng các sản phẩm du lịch liên quốc gia và các tour du lịch hấp dẫn, trọn gói để đưa khách qua lại hai nước.  

Theo thống kê của Bộ KH – ĐT, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có mặt tại 52/63 tỉnh,thành của Việt Nam, trong đó Hải Phòng và Lào Cai là hai địa phương nằm trong phạm vi “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” có số vốn đầu tư cao nhất, lần lượt là 43 và 26 dự án. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tương ứng là 349 triệu USD và 307 triệu USD. Việt Nam hiện có 9 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký gần 13 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ.

 

Vân Anh