Theo chu kỳ vòng quay trái đất xung quanh Mặt trời thì ngày 20/3 là ngày có độ dài bằng nhau giữa ngày và đêm, tiêu biểu cho sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…
Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một cuộc tọa đàm khoa học mang tên “Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam” với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nhà báo…
Có rất nhiều khái niệm và câu chuyện về hạnh phúc được chia sẻ tại đây, nhưng có một điều mà các đại biểu đều mong muốn là chủ đề hạnh phúc cần được nghiên cứu và quan tâm hơn nữa tại Việt Nam.
Hạnh phúc vẫn là một khái niệm “mờ”
Đó là nhận định của PGS.TS. Lê Ngọc Văn đến từ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, bởi “hạnh phúc là một trạng thái không dễ nắm bắt và thường được diễn giải theo những cách khác nhau”.
Theo ông Lê Ngọc Văn, xuất phát từ ý nghĩa của ngày 20/3, để có được có hạnh phúc, con người cần phải lưu tâm đặc biệt đến sự phát triển một cách cân bằng: cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cân bằng giữa phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ và giữ gìn các giá trị văn hóa lâu đời, cân bằng giữa cuộc sống cá nhân với các mối quan hệ xung quanh. Nói cách khác, chỉ thông qua sự phát triển cân bằng mới mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho con người – một thực thể hài hòa giữa hai phần sinh học và văn hóa.
Quang cảnh buổi tọa đàm tổ chức chiều ngày 17/3 tại Hà Nội. (Ảnh: T.T) |
PGS. TS. Lê Ngọc Văn cũng cho biết, yếu tố địa lý và văn hóa cũng ảnh hưởng đến quan niệm về hạnh phúc của con người. Nếu người châu Âu và Bắc Mỹ thường được khuyến khích khẳng định cái tôi và chủ động tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, thì ở châu Á, trong đó có Việt Nam, các cá nhân được khuyến khích tìm các mô hình hạnh phúc được thừa nhận bởi nhiều người, và họ có xu hướng điều chỉnh hành vi của mình theo hướng mong đợi của xã hội và hành động khi được sự tán thành của những người thân trong gia đình.
Trong khi đó, theo TS. Lê Thị Bích Hồng - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, thì khó có thể đưa ra một định nghĩa chung về hạnh phúc cho tất cả mọi người, bởi mỗi cá nhân lại cảm nhận về hạnh phúc khác nhau. Tuy nhiên, bà cho rằng, vẫn có những quan niệm chung cho hạnh phúc đích thực khi con người tìm được niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Và mỗi người chính là “một kiến trúc sư” cho hạnh phúc của chính mình.
Tiêu chí nào khiến người Việt hạnh phúc?
Dưới cách nhìn của một nhà văn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng cần nhìn hạnh phúc bằng cả hai cách: con đường khoa học và cảm nhận. Ông rất xúc động và đánh giá cao “Bữa cơm thân mật gia đình” mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng phát động, bởi nó là hành động giản dị nhưng lại cụ thể hóa nhất của niềm hạnh phúc. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn cảnh báo xã hội thời nay đang thiếu vắng nhiều thứ để cảm nhận được hạnh phúc. Đó là sự kết nối với thiên nhiên, mối giao cảm giữa con người, nhiều gia đình tồn tại những thành viên rời rạc không có sự chia sẻ. Ông cảm thấy con người cũng ít dành thời gian cho việc thưởng thức cái đẹp hoặc thể hiện hành động lãng mạn, sống quá bon chen hoặc không có mục đích, lý tưởng… Vì vậy, theo ông, văn học sẽ có vai trò giúp cân bằng lại các mối quan hệ và kết nối này.
Bữa cơm gia đình cũng là hình ảnh cụ thể hóa nhất của hạnh phúc. (Nguồn: AFamily) |
Nhà nghiên cứu Ngô Quang Hưng thì bày tỏ, với ông, nền tảng của hạnh phúc chính là tình yêu, bởi nó như cây trái phải chọn giống, gieo hạt và chăm sóc vun trồng để ra hoa kết quả. Tình yêu có bản năng nhưng tình yêu rất cần sự giáo dục giáo dưỡng vì nuôi dưỡng tình yêu ở mỗi người là điều kiện tiên quyết của xây dựng hạnh phúc gia đình. Theo ông, đây cũng là nội dụng cần thiết để công tác gia đình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham gia vào việc triển khai Nghị quyết trung ương về xây dựng văn hóa con người Việt Nam thời kỳ đổi mới hội nhập của đất nước.
Với nhà báo Hồ Bất Khuất đến từ Tạp chí Gia đình và Trẻ em, an sinh xã hội chính là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Ông cho rằng, Hà Lan là đất nước hạnh phúc nhất thế giới bởi đất nước này không có nhà tù và cảnh sát thường xuyên không có việc làm. “Chính sách của Nhà nước và khát vọng của người dân gặp nhau ở việc đảm bảo an sinh xã hội. Hạnh phúc có những tiêu chí chung và cách cảm nhận riêng, song cơ sở để tạo dựng hạnh phúc chính là sự đảm bảo về an sinh xã hội, nghĩa là đảm bảo độ an toàn cho tất cả những người dân trong mọi điều kiện”, ông nói.
Theo nghiên cứu và khảo sát ở tỉnh Sơn La của TS. Đặng Thị Hoa – Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, dù quan niệm về hạnh phúc của các tộc người có những điểm tương đồng và khác biệt nhưng nhìn chung đều hướng tới những giá trị cốt lõi chung của cộng đồng. Đó là những quan niệm về sự hi sinh, tính cố kết trong gia đình, cộng đồng và tộc người. Bà Hoa cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về vật chất, người dân tộc thiểu số vẫn quan niệm giá trị của hạnh phúc về mặt tinh thần là hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến suy nghĩ và niềm tin của họ về giá trị của cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, khi lựa chọn các yếu tố hạnh phúc, phần lớn các ý kiến ở cộng đồng ở đây đều lựa chọn tiêu chí gia đình hòa thuận là yếu tố quan trọng nhất của hạnh phúc.
Việt Nam nên có viện nghiên cứu về hạnh phúc
Khuyến nghị này của PGS. TS. Lê Ngọc Văn rất được hoan nghênh bởi thực tế, ở nhiều nước đã có viện nghiên cứu về hạnh phúc. Những thành tựu khoa học này đã cung cấp các luận cứ rất bổ ích giúp chính phủ các nước hoạch định và điều chỉnh chính sách phát triển bền vững phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế và an sinh xã hội của họ.
Người dân tộc thiểu số vẫn quan niệm giá trị của hạnh phúc về mặt tinh thần. (Nguồn: Đời sống & Pháp Luật) |
Theo PGS. TS. Lê Ngọc Văn, trên thế giới, hạnh phúc đã trở thành một lĩnh vực khoa học độc lập, trong khi ở Việt Nam việc nghiên cứu về hạnh phúc hầu như còn bị bỏ trống và không được đặt ra một cách tương xứng. Vì vậy, chủ đề hạnh phúc ở Việt Nam chưa được xem xét trên bình diện khoa học, nhất là đối với khoa học thực nghiệm ở cả hai phương pháp định tính và định lượng. Đây chính là một lý do quan trọng để nhanh chóng triển khai việc tìm hiểu và đo lường quan niệm và sự hưởng thụ hạnh phúc của người Việt Nam, xây dựng bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Lê Thị Bích Liên cũng cho rằng, việc nghiên cứu về hạnh phúc và xây dựng bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam sẽ góp phần khẳng định những cam kết quốc tế của Việt Nam và minh chứng cho bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những nghiên cứu này sẽ cung cấp những tri thức nền tảng trong việc hình thành quan niệm và sự lựa chọn hạnh phúc của người dân, giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chiến lược phát triển và quản lý sự phát triển xã hội một cách bền vững.