Chị Phạm Đỗ Thiên Hương đã tự điều trị Covid-19 thành công với thái độ lạc quan, tích cực. (Nguồn: NVCC) |
Là một nhân viên văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh, khoảng gần 3 tháng nay, chị Phạm Đỗ Thiên Hương đã ở nhà làm việc ngay từ đợt giãn cách đầu tiên của thành phố.
Mặc dù đã giữ gìn rất kỹ, chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch và gần như không gặp, tiếp xúc với ai cùng khu nhà ở, nhưng chị Hương vẫn hy hữu nhiễm Covid-19 sau khi khu nhà chị có người mắc và lây nhiễm cho mọi người trong khu.
Những triệu chứng lần lượt xuất hiện
Ngày 7/8, chị Hương bắt đầu có triệu chứng sốt. Vì nghĩ là cảm sốt thông thường do thói quen tắm ngay khi tập thể dục xong, chị Hương đã uống thuốc hạ sốt và chườm khăn mát liên tục. Sau 2 ngày, chị Hương đỡ dần và cắt hẳn cơn sốt.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Lúc này, chị Hương bắt đầu ho nhẹ nên đã uống thuốc ho, kháng sinh và kháng viêm để chữa trị. Sau 3 ngày khi cơn ho thuyên giảm, thì đến lượt triệu chứng nghẹt mũi lại "ghé thăm".
Đến ngày 12/8, chị Hương chính thức bị mất khứu giác. Với đầy đủ các triệu chứng, chị Hương bắt đầu lo lắng, nghi ngờ mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 13/8, thay vì theo lịch đi tiêm vaccine Covid-19 tại phường, chị Hương đã quyết định test nhanh Covid-19.
Và đúng như dự đoán, sau 15 phút, kết quả cho thấy 2 vạch, đồng nghĩa với chị đã dương tính với Covid-19. Vạch dương tính hiện lên khá nhạt cho biết lượng virus là tương đối thấp trong cơ thể.
Nhớ lại cảm giác lúc nhận kết quả xấu, chị Hương chia sẻ: “Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi vẫn choáng váng, đầu óc trống rỗng và tưởng chừng như cả thế giới sụp đổ”.
Ngay sau đó, chị Hương đã gọi điện báo cho bạn bè, người thân và nhận được sự cổ vũ tinh thần. Chị bình tĩnh lại và tự trấn an rằng đây là lúc phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì chỉ bản thân chị mới cứu được chị, không những thế chị còn luôn có bạn bè, người thân là nguồn động viên to lớn.
Và thế là chị Hương chính thức “tuyên chiến” với Covid-19.
Cuộc chiến gần 3 tuần
Trước tiên, chị Hương khai báo y tế trên Bluezone và thông tin tình trạng sức khỏe với chủ nhà để báo cáo với y tế phường. May mắn vì triệu chứng nhẹ nên chị được chỉ định tự cách ly và điều trị tại nhà.
Đồng thời, chị cũng liên hệ với một đồng nghiệp cũ từng nhiễm bệnh để hỏi han kinh nghiệm, “sách lược” chiến đấu với Covid-19 và nhận được sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình, kỹ lưỡng.
Các loại thuốc và dụng cụ chị Hương đã mua và sử dụng trong những ngày tự điều trị Covid-19 theo tư vấn của nhân viên y tế (mang tính chất tham khảo): Paracetamol 500mg (hạ sốt, mệt mỏi); Neo-Codion (ho, đau họng); Methyl-prednisolon 16mg (kháng viêm); Cacbomaugo (tiêu chảy, ăn không tiêu, trướng bụng); Dophenitamin 4mg (nghẹt mũi, chảy nước mũi); Vitamin C 500mg (tăng sức đề kháng); Oresol (nước điện giải); Nước muối sinh lý (rửa mũi, nhỏ mắt); Xisat (chai xịt rửa mũi); Nước xúc miệng Listerin; Máy đo nhiệt độ (2 lần/ngày); Máy đo oxy trong máu (2 lần/ ngày); 6 Bộ Test nhanh Covid-19 Humasis; 4 Chai xịt khử khuẩn hoặc Cồn 70 độ; Có thể bổ sung thực phẩm chức năng khác như Omega 3-6-9, Calcium, Vitamin D... |
Theo kinh nghiệm của bản thân, trong những ngày điều trị Covid-19, chị Hương nhấn mạnh phải uống thật nhiều và liên tục nước ấm (4-6 lít/ngày) và ăn nhiều rau xanh, trái cây, để bảo đảm cơ thể đủ chất.
Hàng ngày, ngoài việc sử dụng thuốc, chị đều đặn giữ những thói quen rửa mũi bằng nước muối biển (4-6 lần); súc miệng và họng nước muối (5-6 lần); uống nước chanh tươi ngâm muối với nước nóng (nên uống khi ấm nóng), nếu khó uống có thể cho ít đường; xông chanh, sả, gừng sôi lên cho thêm 2 giọt dầu gió (2 lần); tập thể dục 15’- 30’/ngày; tập bài thở 15’ (2 lần/ngày); khử khuẩn phòng bằng cồn 70 độ và lau sạch nhà cửa (2 lần/ngày); khử khuẩn tất cả các bề mặt hay chạm vào trước và sau khi sử dụng như máy tính, bàn, mặt tủ lạnh, tay nắm cửa…(2 lần/ngày); giặt đồ thường xuyên, thay chăn ga/gối/đệm (ít nhất 1 lần/tuần) để bảo đảm vệ sinh nhà cửa và cá nhân.
Trong những ngày bị bệnh, chị Hương cho hay dù có mệt cũng cố gắng tắm gội sạch sẽ với nước nóng để tinh thần sảng khoái và cơ thể thoải mái.
Nếu như ngủ không ngon giấc, chị ngồi dậy và tập bài thở hoặc bật nhạc sóng Delta để đi vào giấc ngủ dễ hơn và sâu hơn.
Ngoài ra, chị Hương lưu ý khi ngủ, không được nằm nghiêng bên trái vì chèn tim nhiều và lâu dễ dẫn đến khó thở và tức ngực. Chị cũng hạn chế tối đa việc để gió quạt thổi thẳng vào mũi, cổ họng vì sẽ dẫn đến viêm họng, ho nhiều hơn, nghẹt mũi không dứt. Kinh nghiệm của chị Hương là để quạt thổi vào phía dưới chân, và luôn để lớp khăn mỏng trên cổ để giữ ấm.
Với những người có triệu chứng nặng hơn như khó thở nhẹ, sốt ho cùng một lúc, chị Hương cho rằng nên chủ động đặt báo thức điện thoại 1-2 tiếng/lần để tránh trường hợp mệt quá ngủ lả đi không biết, hoặc kịp ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, theo những kinh nghiệm được hướng dẫn, chị Hương cũng thực hiện “4 không lạnh”, đó là: không ăn lạnh, uống lạnh, nằm máy lạnh và tắm nước lạnh.
Khi bị mất khứu giác, mặc dù ăn uống không ngon miệng, nhưng chị Hương vẫn cố gắng ăn uống đầy đủ như bình thường, không bỏ bữa, và bổ sung các bữa phụ nhỏ như trái cây, các loại hạt, sữa chua…
Do ở một mình, nên tất cả việc mua sắm, đi chợ, mua thuốc chị đều gọi ship và được bạn bè hỗ trợ, tiếp tế. Người nhà cũng giữ liên lạc thường xuyên, tiếp thêm sức mạnh cho chị Hương chiến đấu với bệnh tật.
“Ai cũng yêu thương, lo lắng nên tôi quyết không phụ lòng mọi người, phải chiến đấu bằng được với ‘con Covid’”, chị Hương chia sẻ.
Sau gần 3 tuần chiến đấu kiên cường, chị Hương đã nhận được kết quả 'một vạch' thể hiện âm tính với Covid-19. (Nguồn: NVCC) |
Vỡ òa niềm vui "một vạch"
Sau gần 3 tuần chiến đấu kiên cường, ngày 24/8, chị Hương đã quyết định test Covid-19 khi khứu giác trở lại bình thường và sức khỏe đã ổn định.
Nhận được kết quả “một vạch” thể hiện âm tính với Covid-19, chị Hương vui mừng, xúc động vỡ òa. Chị mau chóng báo tin vui và cảm ơn người thân, bạn bè luôn sát cánh, hỗ trợ chị cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc chiến cam go vừa qua.
Hiện tại, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, chị Hương cho biết vẫn sẽ giữ đều đặn các thói quen trong suốt thời gian trị bệnh, để bảo vệ sức khỏe ổn định, chờ tới lần test lại thứ 2, 3 và PCR.
Nhìn TP. Hồ Chí Minh hoa lệ, đông đúc ngày nào, giờ vắng không bóng người, chị Hương vô cùng xót xa, đau lòng. Từ câu chuyện của bản thân đã cố gắng giữ gìn mà vẫn hy hữu nhiễm bệnh, chị Hương cảnh báo rằng: “Dịch Covid-19 vô cùng nguy hiểm, chúng ta không nên chủ quan, lơ là dù chỉ một phút, một giây”.
Chị Hương hy vọng mọi người có thể phòng bệnh hiệu quả hơn với những thói quen chị đã nêu trên.
Thông qua câu chuyện với “cái kết có hậu”, chị Hương hy vọng những người đang nhiễm bệnh hãy giữ một tinh thần thép, lạc quan, yêu đời, vui vẻ để vững vàng chiến đấu lại bệnh tật.
“Chiến đầu vì bản thân ta, vì những người yêu thương chúng ta, và cả những cái hẹn sau dịch đang chờ, như người Sài Gòn tếu táo với nhau rằng: Hẹn ngày tái nạm nhé!”, chị Hương nhắn nhủ.
Theo chị Hương, đây là lúc chúng ta phải tôn trọng bản thân, tôn trọng gia đình mình và cộng đồng trước khi muốn làm bất cứ việc gì to lớn hơn đặc biệt là trong thời điểm này. Chị Hương gửi gắm: “Hãy ở nhà! Hãy thương chính mình, gia đình và đồng bào mình. Rồi ngày vui ta lại gặp nhau!”.
| Cập nhật Covid-19 ngày 27/8: EU cảnh báo về tiêm vaccine mũi 3; tiêm chủng cứu hơn 100.000 người khỏi 'cửa tử' ở Anh; khẩu trang diệt virus SARS-CoV-2 Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 215,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,49 triệu trường ... |
| Những chiến sĩ tận tụy trên 'mặt trận' ngoại giao vaccine Theo Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng, ngoại giao kinh tế mà trọng tâm ... |