SCNC 2023 đã trao thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc đóng góp vào công tác bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho gần 100 sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà bảo tồn trẻ kết nối và mở rộng cơ hội phát triển với các chuyên gia và các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam.
SCNC 2023 có sự tham gia của 105 sinh viên và nhà bảo tồn trẻ đến từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. (Nguồn: BTC) |
Hội nghị đã giới thiệu và tôn vinh nỗ lực nghiên cứu quan trọng trong thời điểm các quốc gia và khu vực trên toàn cầu ngày càng chú trọng đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Năm nay, SCNC thu hút gần 40 nghiên cứu thuộc nhiều chủ đề đa dạng, 14 đề tài được lựa chọn tham gia tranh giải.
Trong đó, 8 đề tài xuất sắc đã được Hội đồng Ban giám khảo gồm các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện Tài nguyên và Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội (CRES), Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam (FZS), Tổ chức Động thực vật - Chương trình Việt Nam (Fauna & Flora) và Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) trao cho các nghiên cứu thuộc 2 hạng mục Diễn thuyết và Poster.
Anh Trần Thị Phương - giải Nhất hạng mục Trình bày diễn thuyết về đề tài “Ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh SAR (Sentinel-1A) để xây dựng bản đồ biến động diện tích rừng giai đoạn 2020-2023 tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì”, chia sẻ: “Tại hội nghị SCNC năm nay, tôi muốn mang đến một đề tài mới, có ý nghĩa và tác động đến cộng đồng. Đối với đề tài giám sát sinh thái rừng của tôi, sau hội nghị, tôi sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng đề tài đến nhiều khu vực vườn quốc gia và khu bảo tồn ở Việt Nam.
Tôi mong muốn rằng, kết quả nghiên cứu này sẽ đóng vai trò giúp những nhà bảo tồn xác định được hiện trạng rừng để đề ra những phương án bảo tồn thiên nhiên có hiệu quả trong tương lai”.
Đến từ Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), anh Hà Thăng Long bày tỏ: “Sự có mặt đông đảo của các bạn sinh viên và các nhà bảo tồn trẻ đến từ ba miền Tổ quốc khiến tôi cảm thấy vô cùng vui và tự hào.
Suốt hơn 20 năm làm việc trong ngành bảo tồn, tôi hiểu rằng công tác giáo dục, nâng cao năng lực và hướng nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Khi học tập tại Đại học Cambridge, tôi và Trang Nguyễn - nhà sáng lập WildAct, đã cùng tham gia Hội nghị nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên tại trường và hiện tại, tôi rất vui vì hội nghị này đã được tổ dành cho chính các bạn sinh viên Việt có niềm đam mê với ngành. Điều này đã tiếp thêm động lực cho những nhà bảo tồn như chúng tôi tiếp tục trên hành trình bảo vệ thiên nhiên của mình”.
Đồng thời, người tham dự đã có những phiên thảo luận sôi nổi và hiệu quả với các chuyên gia và các tổ chức về hai chủ đề: “Cơ hội phát triển trong ngành bảo tồn” và “Vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn tại Việt Nam”.
Người tham dự chụp ảnh tổng kết hội nghị được tổ chức ngày 29/7. (Nguồn: BTC) |
Bên cạnh các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, SCNC 2023 còn cung cấp thông tin cho các nhà bảo tồn trẻ thông qua hai talkshow: “Ngành bảo tồn ở Việt Nam, những cơ hội và phát triển” và “Vai trò của cộng đồng địa phương trong công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép”.
Không chỉ vậy, đây là ngày hội lớn để các bạn trẻ kết nối, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp tại gian hàng triển lãm của các tổ chức hàng đầu trong ngành bảo tồn, cũng như mang đến động lực cho những thế hệ trẻ tự tin và sáng tạo, cùng góp phần chung tay hành động vì động thực vật hoang dã tại Việt Nam.
Đón đọc Kỳ cuối: "Hành trình của nhà bảo tồn: Hành động để thay đổi nhận thức tại Việt Nam"