Trước khi dấn thân vào chính trường, bà Phạm Thị Ngọc Lan từng theo đuổi con đường học vấn thiên về khoa học và nổi tiếng nhờ sự năng nổ trong hoạt động bảo vệ môi trường…
Bà Phạm Thị Ngọc Lan bên chiếc xe đạp thân thuộc. (Ảnh: Shanti Mathias) |
Tin liên quan |
Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Canada |
Từ nữ sinh ngành môi trường...
Bà Phạm Thị Ngọc Lan sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô Brooklyn của Wellington, bố là người Việt làm việc trong mảng lập trình công nghệ, mẹ là người New Zealand gốc Ireland, đảm nhận công việc nhân viên xã hội.
Ngay từ khi còn bé, bà đã nhận được sự chăm sóc và dạy bảo tận tình từ bố mẹ, cũng như được truyền đạt nhiều kiến thức về giá trị cộng đồng - vốn trở thành nền tảng cho sự nghiệp sau này của bà.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học môi trường tại Đại học Massey năm 2009, bà nhận thức được xu hướng xuống cấp nghiêm trọng của môi trường do hoạt động khai thác nông nghiệp, công nghiệp của con người, nhưng hành lang pháp lý lại chưa đủ mạnh để đẩy lùi tình trạng cấp bách đó. Do vậy, bà quyết định theo đổi học thạc sĩ về Môi trường tại Đại học Otago.
Trong quá trình đó, bà Lan đã có dịp phát biểu về vấn đề môi trường trước Ủy ban khai thác dầu khí của New Zealand. Không lâu sau, bài phát biểu của bà gây tiếng vang và thậm chí được Nghị sĩ Eugenie Sage trích dẫn tại cuộc họp Quốc hội.
Không chỉ vậy, bà còn năng nổ tham gia hoạt động xã hội và trở thành nhà đồng sáng lập quỹ Working Waters Trust, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút nguồn lực từ thiện nhằm bảo vệ môi trường nước ngọt.
... đến chính khách giàu nhiệt huyết
Để phát động chiến dịch tranh cử vào Hội đồng Vùng Canterbury, bà Lan đã thực hiện công việc kéo dài một năm trên đảo Raoul, nơi chỉ có 7 người dân định cư. Tại đây, bà cùng các tình nguyện viên tiến hành diệt trừ cỏ dại, cũng như nghiên cứu về núi lửa và khí quyển.
Đồng thời, bà tích cực khai thác sức mạnh của truyền thông để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường với thế giới.
Năm 2015, thời điểm mà thế giới chứng kiến nhiều cuộc tuần hành về khí hậu, toàn bộ 7 người dân đảo Raoul cũng tham gia biểu tình. Bà ghi lại khoảnh khắc trên và bức ảnh sau đó đã được tờ The Guardian đăng tải.
Năm 2016, bà Lan lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên Hội đồng Vùng Canterbury với số phiếu cao nhất tại địa phương (55.313 phiếu bầu), dưới danh nghĩa của một đảng nhỏ có tên “Sự lựa chọn của nhân dân”. Bà tiếp tục đắc cử vào Hội đồng Vùng trong bầu cử địa phương năm 2019, đảm nhiệm vị trí Ủy viên chuyên trách về vấn đề môi trường.
Diễn thuyết về vấn đề nước ngọt ở Mount Pleasant. (Ảnh: Shanti Mathias) |
Trong giai đoạn công tác tại Hội đồng Vùng Canterbury, bà tích cực đề xuất, thảo luận và triển khai các giải pháp môi trường nhằm tạo ra thay đổi thiết thực vì lợi ích cộng đồng. Bà nhiều lần cảnh báo về hoạt động khai thác dầu, khí đốt ngoài khơi bờ biển Canterbury.
Đồng thời, nữ nghị sĩ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng quản lý nguồn nước thiếu hiệu quả của chính quyền, đặc biệt là việc gần một nửa lưu vực sông vùng Canterbury bị khai thác quá mức. Điều này đi ngược lại một trong những trọng tâm của chính sách về nước của New Zealand - sử dụng bền vững nguồn nước và đảm bảo lưu lượng ổn định.
Bên cạnh nguồn nước, bà còn lên tiếng về vấn đề sử dụng đất đai. Nữ nghị sĩ thường xuyên nhấn mạnh nhu cầu tối đa hóa lợi ích đất đai, qua đó cho phép nông dân trồng lương thực và nâng cao khả năng chống chọi biến đổi khí hậu của khu vực.
Nhờ tác động của bà, chính quyền đã tăng chi tiêu cho các dự án đa dạng sinh học từ khoảng 3 triệu USD lên 38 triệu USD. Tuy nhiên, với bà, tiền chưa phải là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất, bởi đôi khi đồng tiền không đem lại kết quả thực tiễn như mong muốn.
Sau khi rời Hội đồng Vùng Canterbury, bà gia nhập Văn phòng về Ủy ban nước ngọt của New Zealand, phụ trách điều phối quy trình quản lý nước ngọt của đất nước, đặc biệt là đảm bảo việc thực hiện đầy đủ chính sách quốc gia về nước ngọt Te Mana o Te Wai.
Bà Phạm Thị Ngọc Lan cùng các ứng cử viên khác. (Ảnh: Shanti Mathias) |
Nghị sĩ gốc Việt với tinh thần "Cứ làm thôi!"
Sau khi nghị sĩ Elizabeth Kerekere rời đảng Xanh hồi tháng 4 năm nay, bà Phạm Thị Ngọc Lan quyết định ghi tên vào danh sách ứng viên và cuối cùng đã vượt trên 2 nghị sĩ đương nhiệm để lọt vào nhóm 6 ứng viên của đảng này.
Nhờ tình hình thuận lợi, bà Lan thuộc khu vực bầu cử Banks Peninsula (Vùng Canterbury), chính thức có tên trong danh sách bầu cử toàn quốc của Quốc hội New Zealand khóa 54 tổ chức hồi tháng 10.
Nữ nghị sĩ đã gây bất ngờ lớn khi có được thành công ngay trong lần đầu tiên tranh cử cho đảng Xanh. Trong quá trình ứng tuyển trước đó, bà chia sẻ, dù bản thân căng thẳng đến mức mất giọng nhưng bà vẫn giữ bình tĩnh để ứng đối những câu hỏi từ ban thẩm vấn.
Đặc biệt, những người thân xung quanh thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành với quyết định này của bà. Nữ nghị sĩ cho biết, bố bà rất vui mừng khi bà vào Quốc hội với tư cách là nghị sĩ gốc Việt đầu tiên.
Bên cạnh đó, các đồng nghiệp cũng dành lời ca ngợi cho kinh nghiệm hoạt động trong chính quyền địa phương của bà. Ủy viên Hội đồng Vùng Canterbury John Sunckell từng nhấn mạnh, bà Lan có niềm đam mê và lòng nhiệt thành không ngừng nghỉ trong việc thúc đẩy lợi ích cộng đồng.
Khi được phóng viên tờ Newsroom hỏi về tham vọng trở thành bộ trưởng hay nhà lãnh đạo, bà khẳng định: “Dù con đường sắp tới có ra sao, tôi đều sẵn sàng”.
Đồng thời, bà nhấn mạnh bản thân sẽ cống hiến hết mình, sẵn sàng thử những điều mới với thái độ dũng cảm: “Cứ làm thôi!”.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội New Zealand được tổ chức ngày 14/10 cho thấy Quốc hội New Zealand khóa 54 có một nghị sĩ gốc Việt là bà Phạm Thị Ngọc Lan, nghị sĩ đảng Xanh (Green party), thuộc khu vực bầu cử Banks Peninsula (Vùng Canterbury) và thuộc danh sách ứng cử viên đảng Xanh trong danh sách bầu cử toàn quốc. Bà Phạm Thị Ngọc Lan, sinh năm 1985 có bố là người Việt (ông Phạm Anh Tuấn, định cư tại New Zealand từ năm 1972 theo học bổng Colombo chuyên ngành kỹ sư hóa chất tại Đại học Auckland). Mẹ là bà Rosalie Smith, người New Zealand gốc Anh và Ireland. Bà sinh ra tại Wellington, tốt nghiệp cử nhân Khoa học Môi trường tại Đại học Massey vào năm 2009, thạc sĩ Môi trường tại Đại học Otago vào năm 2014. Bà hiện đang sinh sống cùng chồng và hai con tại thành phố Chrischurch. Trước cuộc bầu cử 2023, bà tranh cử trong danh sách của đảng Xanh và có vị trí thứ 6 trong danh sách toàn quốc. Bà Phạm Thị Ngọc Lan là chuyên gia, nhà hoạt động môi trường có uy tín và ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực nguồn nước và nước sạch. Bà được đánh giá là một “ngôi sao đang lên” của đảng Xanh, nhất là sau khi thắng cử tại bầu cử năm 2023 này. Hiện đảng Xanh đang thuộc phe đối lập trong Quốc hội New Zealand khóa 54. |
| Niềm tự hào của một người Việt nhập cư Trở về quê hương ra mắt cuốn sách Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên, Stéphanie Đỗ mong câu ... |
| Chặng đường một thập niên của Ngôi nhà Việt Nam tại Pháp Mới đây, tại thủ đô Paris, Hiệp hội Foyer Vietnam, với tên gọi tiếng Việt là Ngôi nhà Việt Nam, đã tổ chức lễ kỷ ... |
| Cơ hội để người Việt thể hiện năng lực tiếng Nhật Chung kết Cuộc thi hùng biện tiếng Nhật toàn quốc dành cho người Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023 đã diễn ra tại Đại ... |
| Thúc đẩy hợp tác Malaysia-Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao thương Ngày 31/10, Hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam và Văn phòng Thương mại và công nghiệp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ACCI) đã ... |
| Tu nghiệp sinh Việt Nam ở Israel đoàn kết vượt khó để tiếp tục duy trì công việc và học tập Ngày 1/11, bà Hanni Arnon - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp Quốc tế vùng Arava (AICAT) ở miền Nam Israel, cho biết ... |