📞

Hành trình sáu tháng tích cực, sôi nổi của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an

Hà Phương 12:04 | 10/07/2020
TGVN. Trong sáu tháng đầu năm 2020, HĐBA tổ chức 203 cuộc họp cấp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, thảo luận trên 59 đề mục về tình hình ở tất cả châu lục. Trong giai đoạn này, HĐBA thông qua tổng cộng 81 văn kiện dưới các hình thức, trong đó có 29 Nghị quyết, 6 Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA, 24 Tuyên bố báo chí và 22 Thông tin báo chí/Thông cáo.    
Một phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: QT)

Độ “phủ sóng” toàn diện

Chương trình nghị sự của HĐBA linh hoạt, có độ “phủ sóng” toàn diện đối với hầu hết các diễn biến chính trị - an ninh tại các quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới: Trung Đông - Bắc Phi là tâm điểm thảo luận, do đây là khu vực có nhiều xung đột, diễn biến phức tạp và đang gặp bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp ở Syria, Libya, Yemen... Các vấn đề khác ở châu Phi như tình hình tại CHDC Congo, Sudan, Tây Sahara, Mali, Sahel… chiếm đa phần đề mục thảo luận của HĐBA song cơ bản không phát sinh đột biến, chủ yếu liên quan đến hoạt động của nhóm vũ trang, khủng bố và xung đột sắc tộc đã kéo dài nhiều năm.

Các vấn đề ở châu Á được thảo luận tại HĐBA đều có tính chất phức tạp và mức độ cọ xát lợi ích cao như vấn đề Hongkong (Trung Quốc), Rakhine (Myanmar) hay Triều Tiên. Tình hình châu Mỹ Latinh nổi lên những diễn biến gần đây tại Venezuela. Tình hình châu Âu không nảy sinh phức tạp mới, ngoài các vấn đề như Gruzia và Ukraine. Các vấn đề chủ đề được HĐBA thảo luận gồm có Phụ nữ, Trẻ em, Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, nhân đạo... Đáng chú ý, tác động của đại dịch Covid-19 được nêu tại hầu hết các cuộc họp của HĐBA từ cuối tháng 3/2020 đến nay.

Dấu ấn tháng Giêng

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam đã để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện, bao gồm Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, với việc HĐBA lần đầu tiên trong lịch sử thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng về tuân thủ Hiến chương LHQ; Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN cũng là lần đầu tiên chủ đề này được thảo luận tại HĐBA.

Cả hai sáng kiến đều được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời”, đã đáp ứng nguyện vọng chung của các nước thành viên là đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, vai trò của các tổ chức khu vực (trong đó có ASEAN), đồng thời rất phù hợp khi năm 2020 cũng là dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ và ký kết Hiến chương LHQ.

Việt Nam hoàn thành tốt nhiều công việc định kỳ và đột xuất khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA, trong đó có việc xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng; Chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của HĐBA; Thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của HĐBA; Chủ trì làm việc giữa các nước thành viên HĐBA với Tổng Thư ký LHQ; Duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế; Thay mặt HĐBA thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của HĐBA trên cương vị Chủ tịch.

Có thể nói, trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)

Những đóng góp nổi bật

Có thể điểm lại một số đóng góp, xử lý nổi bật của Việt Nam. Về tình hình Trung Đông và xung đột Israel - Palestine, Việt Nam khẳng định lập trường nguyên tắc ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine cũng như ủng hộ giải pháp “hai nhà nước”, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết với Palestine và các nước Không liên kết.

Trong xử lý vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) của Ethiopia, Việt Nam một mặt ghi nhận quyền, nhu cầu chính đáng của các nước trong sử dụng nguồn nước chung để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác khẳng định lập trường bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước hạ nguồn, nhấn mạnh các nguyên tắc về giải quyết tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại, hòa bình để đạt giải pháp phù hợp, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực. Trước diễn biến phức tạp mới ở Venezuela, Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền, can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Về Myanmar, Việt Nam kêu gọi phát huy vai trò của ASEAN, đề cao nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ. Về Syria, Việt Nam khẳng định ủng hộ các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Syria, song nhấn mạnh các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp do Estonia tổ chức về 75 năm kết thúc Thế chiến II, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh những hành động bành trướng, áp đặt, cường quyền và chủ nghĩa quân phiệt không thể dập tắt được khát vọng hòa bình của nhân loại; tái khẳng định tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương LHQ; đồng thời, chia sẻ những mất mát đau thương và bày tỏ tri ân đối với những đóng góp, hy sinh của nhân dân Liên Xô, qua đó thể hiện cách nhìn nhận cân bằng, khách quan đối với lịch sử.

Ngoài ra, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban theo dõi việc thực hiện các Nghị quyết của HĐBA về Nam Sudan, Việt Nam phát huy vai trò trung gian nhằm góp phần thu hẹp khác biệt giữa các nước, có nhiều đóng góp về nội dung được phản ánh vào Nghị quyết số 2521 về Nam Sudan được HĐBA thông qua ngày 29/5/2020. Với vai trò Điều phối viên Nhóm các nước Ủy viên không thường trực (E10) tại HĐBA tháng 5/2020, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực nhất là việc chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký LHQ, chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 về phương pháp làm việc của HĐBA.

Bên cạnh đó, tận dụng tốt vai trò “kép” tại HĐBA và ASEAN, cùng với việc chủ trì thành công phiên họp về hợp tác ASEAN - LHQ khi là Chủ tịch HĐBA, Việt Nam nỗ lực tăng cường phối hợp lập trường với Indonesia, góp phần thúc đẩy đoàn kết, vai trò và sự hiện diện của ASEAN trong xử lý các vấn đề tại HĐBA LHQ.

Tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. HĐBA sẽ tiếp tục xử lý khối lượng công việc lớn với các vấn đề phức tạp như xung đột Israel - Palestine; chiến sự và việc gia hạn cơ chế viện trợ nhân đạo xuyên biên giới tại Syria; nội chiến ở Libya, Yemen...; tình hình phức tạp tại Somalia, Afghanistan, Iraq, Venezuela...; vấn đề Rakhine (Myanmar) trước và sau bầu cử Tổng thống Myanmar; vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên; việc Mỹ thúc đẩy Nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Iran.

Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động và tích cực phối hợp với các nước HĐBA đóng góp vào công việc chung của cơ quan này, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, cũng như tạo niềm tin cho quần chúng, nhân dân, đảng viên về vai trò, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao của Việt Nam.

Các vấn đề ở châu Á được thảo luận tại HĐBA đều có tính chất phức tạp và mức độ cọ xát lợi ích cao như vấn đề Hongkong (Trung Quốc), Rakhine (Myanmar) hay Triều Tiên.