📞

Hậu AUKUS: Tổng thống Mỹ-Pháp điện đàm, nhấn mạnh vấn đề phòng thủ châu Âu

Thế Linh 09:46 | 23/10/2021
Ngày 22/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có buổi điện đàm, trong đó nhấn mạnh về các vấn đề an ninh.

Cụ thể, Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã thảo luận về hợp tác trong vấn đề an ninh tại khu vực Sahel và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như các nỗ lực nhằm kích hoạt một sự phòng thủ mạnh mẽ hơn của châu Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: CNN)

Văn phòng Tổng thống Pháp Macron cũng đưa ra thông báo với nội dung tương tự.

Lãnh đạo hai nước Mỹ, Pháp dự kiến gặp nhau trong tháng này tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thủ đô Rome (Italy). Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sẽ gặp ông Macron trong chuyến thăm tới Paris vào tháng 11, qua đó khẳng định các nỗ lực nhằm hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Pháp.

Tháng 9 vừa qua, Anh, Australia và Mỹ đã quyết định thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS), dẫn tới việc Canberra hủy hợp đồng tàu ngầm đã ký với Pháp trị giá hàng tỷ USD. Thay vào đó, nước này sẽ mua ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.

Pháp đã phản ứng khá gay gắt, gọi đây là "nhát dao đâm sau lưng" và triệu hồi đại sứ của mình tại Washington và Canberra về nước. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian từng so sánh cách Tổng thống Biden "âm thầm" không thông báo trước về AUKUS chẳng khác phong cách đơn phương của người tiền nhiệm Donald Trump và thậm chí còn "không có những dòng tweet trên mạng xã hội".

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia phi hạt nhân lấy lý do về thỏa thuận AUKUS để theo đuổi các kế hoạch tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Phát biểu trong chuyến thăm tới Washington, đề cập AUKUS, ông Grossi cho biết, ông đã "thành lập một nhóm đặc biệt nhằm xem xét các biện pháp bảo vệ hạt nhân và ý nghĩa pháp lý của quan hệ đối tác này".

Người đứng đầu IAEA cũng cảnh báo việc các quốc gia khác có thể làm theo và tìm cách đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, làm gia tăng "lo ngại về vấn đề pháp lý và phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng".

(theo AFP)