Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được cho là sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu.
Các nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất của một nhà máy robot hút bụi ở Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei Asia Review) |
Covid-19 thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc
Theo phân tích dữ liệu về 3.800 sản phẩm được tổng hợp bởi Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2019, có 320 sản phẩm mà Trung Quốc nắm tỷ trọng hơn 50% trên các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2001, khi mà Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), con số này chỉ là 61.
Số lượng sản phẩm mà Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao đã dậm chân tại chỗ từ năm 2016 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và bắt đầu chiến tranh thương mại, nhưng đã tăng trở lại vào năm ngoái.
Xuất khẩu máy tính cỡ nhỏ do Trung Quốc sản xuất chiếm 66% toàn bộ thị trường xuất khẩu năm 2019, trị giá 95,6 tỷ USD. Thị phần phụ tùng tinh thể lỏng cho máy tính cá nhân và điện thoại thông minh cũng chiếm hơn 50%, thị phần của máy điều hòa không khí (57%), bồn rửa bằng sứ và bồn cầu (80%), cũng ở mức cao.
Dưới tác động của dịch Covid-19 và sự gia tăng các đơn đặt hàng tại gia trên toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm này đã tăng vọt. Rõ ràng, đại dịch đã thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc và có thể nhận rõ xu hướng này khi nhìn vào tình hình xuất khẩu của Trung Quốc trong các nền kinh tế lớn.
Tháng 2/2020, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bao gồm cả Trung Quốc. Con số này tăng dần đều; 17% vào tháng 3, 24% vào tháng 4, trong bối cảnh Bắc Kinh kiểm soát được đại dịch. Kể từ tháng 4/2020, tỷ lệ này đã tiếp tục vượt quá 20%, vượt qua kỷ lục 19% của năm 2015.
Sự phục hồi về tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ trong năm 2020 cũng tạo đà xuất khẩu cho hàng hóa Trung Quốc. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy xuất khẩu của nước này hiện đã ở trên mức trước khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nổ ra.
Theo cơ quan hải quan ở thành phố Thiên Tân, cảng lớn nhất ở miền Bắc Trung Quốc, xuất khẩu đang tăng đều đặn. Chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đã phục hồi sớm hơn các nước khác và các nhà máy đang tăng cường sản xuất.
Một công ty thương mại ở Thiên Tân, đề nghị giấu tên, trả lời Nikkei rằng họ có đơn đặt hàng xe đạp và nội thất đủ cho cho hơn 2 năm tới.
Khi động lực thay đổi chưa thể hiện thực hóa
Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào hàng hóa Trung Quốc có thể trở thành nguy cơ đối với các nước nhập khẩu. Tại Nhật Bản, tình trạng thiếu khẩu trang và thiết bị y tế trở nên trầm trọng vào mùa Xuân năm nay do thiếu nguồn cung từ Trung Quốc. Mặc dù động lực để thay đổi chuỗi cung ứng luôn ở đó, nhưng quá trình thực hiện lại mất nhiều thời gian.
Sau khi ban hành gói trợ cấp cho những doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc trở lại Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã nhận được 1.760 đơn đăng ký từ các công ty sản xuất chất bán dẫn, linh kiện tinh thể lỏng và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng không mang lại lợi nhuận khi được sản xuất tại đất nước mặt trời mọc, nơi chi phí lao động tương đối cao.
Một công ty Nhật Bản sau khi chuyển cơ sở sản xuất về nước đã tuyên bố rằng họ không thể cạnh tranh với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất trừ khi chính phủ Nhật Bản mua lại sản phẩm của họ. Chủ tịch Mitsubishi Chemical Holdings, ông Hitoshi Ochi cho biết, chi phí sản xuất và các quy định liên quan của chính phủ sẽ là chìa khóa để các công ty có thể đưa ra các quyết định chiến lược về sản xuất.
Hiệp định RCEP, được ký kết vào ngày 15/11, có thể thúc đẩy xu hướng gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, vì nó sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do ở châu Á. Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng 500 tỷ USD vào năm 2030 do những tác động tích cực như cắt giảm thuế quan, trong đó, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, với giá trị hàng hóa xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 248 tỷ USD.
Nghiên cứu này cũng nhận định rằng RCEP sẽ giải quyết các lĩnh vực quan trọng chưa được đề cập hoặc chỉ được mới đề cập bởi các điều khoản chung chung và không hỗ trợ các chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Theo đó, RCEP sẽ khuyến khích sự phụ thuộc lẫn nhau hơn nữa. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đang tiếp diễn, Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy nhanh mũi xuất khẩu sang các nước châu Á, giành thị phần từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc), những nền kinh tế không là thành viên RCEP.
| Triển vọng kinh tế toàn cầu thời đại dịch: Tươi sáng hơn trong những tháng tới? TGVN. Diễn biến của dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như bất kỳ ... |
| Lý do IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 TGVN. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo nền kinh tế toàn cầu năm nay theo hướng lạc quan ... |
| Ngoại trưởng Nga: G20 có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu thay G7 TGVN. Ngày 13/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, việc tổ chức các cuộc họp của G20 theo hình thức cấp cao nhất đã ... |