📞

Hậu thỏa thuận an ninh AUKUS: EU bị 'gạt ra ngoài lề'?, Thủ tướng Anh nói quan hệ với Pháp vững như bàn thạch

Bảo Hà 11:00 | 17/09/2021
Liên minh châu Âu (EU) không được thông báo trước về thỏa thuận đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu đang bị Washington “gạt ra ngoài lề”.
Các nhà lãnh đạo Mỹ-Anh-Australia tuyên bố thỏa thuận AUKUS hôm 15/9. (Nguồn: News.com.au)

Ngày 16/9, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Peter Stano cho biết: “EU không được thông báo về dự án này hoặc về sáng kiến này và chúng tôi đang liên hệ với các đối tác nói trên để tìm hiểu thêm”, đồng thời nội bộ EU sẽ thảo luận để đánh giá các tác động.

Trong khi đó, một người phát ngôn khác của EC, bà Dana Spinant, khẳng định, quan hệ đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia sẽ “không ảnh hưởng” đến mối quan hệ giữa EU với 3 nước này.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đánh giá, AUKUS cho thấy EU phải phát triển chiến lược quốc phòng và an ninh của riêng mình, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước đó một ngày, Mỹ, Anh và Australia công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi AUKUS, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Australia Scott Morrison xác nhận nước này sẽ chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm trị giá 36,5 tỷ USD với Pháp. Phản ứng trước vụ việc, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, đây là “sự phản bội” sau khi nước này đã xây dựng một quan hệ tin cậy với Australia.

Liên quan phản ứng của Pháp, cũng trong ngày 16/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: "Quan hệ của chúng ta với Pháp, quan hệ quân sự của chúng ta với Pháp... vẫn vững như bàn thạch".

Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh, London vẫn "vai kề vai" với Paris tại vùng Sahel, nơi hai nước có một chiến dịch chung chống khủng bố ở Mali, hoặc tại Estonia, nơi hai bên đang tham gia chiến dịch lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bên cạnh đó, về những lo ngại rằng AUKUS đã khiến Trung Quốc tức giận, nguy cơ làm xấu đi quan hệ Anh-Trung, Thủ tướng Boris Johnson cho biết: "Cần phải hiểu rằng, AUKUS không có ý định đối đầu với bất cứ cường quốc nào khác mà thuần túy phản ánh quan hệ mật thiết của Anh với Mỹ và Australia".

(theo Sputnik, Reuters)