Không còn huyền bí
Những chiếc giỏ đầy cá, dân làng tắm dọc hai bờ sông, chợ bán các đặc sản núi rừng... tất cả chỉ là những kỷ niệm thời thơ ấu của Pornlert Prompanya về một dòng sông Mekong nguyên sơ. Pornlert - 32 tuổi, là ông chủ của công ty chuyên tổ chức các chuyến đi chơi bằng xuồng máy tốc độ cao cho khách du lịch ở ngôi làng thuộc phía Bắc Thái Lan giáp ranh với Mianma và Lào - đang nhìn chăm chú dòng sông đang như một bức tranh hiện đại hơn. Một sòng bạc có mái vòm bằng vàng mới được xây dựng nơi đậu kín những chiếc Bentley và Cadillac.
Lâu nay dòng sông Mekong mang một vẻ thần bí đối với những người bên ngoài, bất kể đó là những người Mỹ ở vùng châu thổ của dòng sông trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam hay những nhà thám hiểm người Pháp ở thể kỷ 19, những người tìm kiếm thượng nguồn của dòng sông ở Tây Tạng. Nhưng dòng Mekong ngày nay, dài khoảng 4.890 km chảy qua một phần lãnh thổ của Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ vào Biển Đông, đang nhanh chóng bị biến đổi bởi sự phát triển kinh tế, bởi "cơn khát" điện năng và mong muốn biến dòng sông thành tuyến đường vận chuyển hàng hóa. Sông Mekong đã bị ô nhiễm giống như nhiều con sông khác ở châu Á.
Đập thuỷ điện và sự phát triển
Trung Quốc đã xây dựng ba đập thủy điện trên dòng sông Mekong. Hiện nay chiếc đập thứ tư ở Tiểu Vạn, Vân Nam đang được xây dựng. Khi hoàn thành đây sẽ là con đập cao nhất thế giới.
Lào cũng đang có kế hoạch xây dựng nhiều con đập trên dòng chính và các nhánh phụ của sông Mekong. Các quan chức nước này nói rằng tham vọng của họ là biến Lào trở thành "chiếc ắc quy của châu Á". Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng hai con đập. Đồng thời, những ước mơ vốn tiêu tan của thực dân Pháp nhằm sử dụng dòng sông Mekong như một cửa ngõ phía nam vào Trung Quốc lại đang trở thành một phần hiện thực. Vào đầu thập kỷ này, sau khi các kỹ sư Trung Quốc dùng mìn phá bỏ một lọat các ghềnh đá và thác nước, thương mại bằng thuyền giữa Trung Quốc và Thái Lan đã tăng lên gần 50%.
Nhiều khu vực ở sông Mekong vốn đã từng là giấc mơ của loài cá sao Nhật nhưng ngày nay lại bừng sáng các loại ánh điện vào buổi tối. Các nhà họat động môi trường lo ngại về cơn sốt phát triển sông Mekong, đặc biệt là việc xây dựng các đập nước, không chỉ làm thay đổi quang cảnh của dòng sông mà còn phá hoại cuộc sống của người dân vốn sống nhờ vào dòng sông bao đời nay. Các học giả và các nhóm hoạt động môi trường đã cảnh báo rằng Mekong - một trong những dòng sông phong phú nhất trên thế giới đang bị đe dọa.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Những khía cạnh gây tranh cãi nhất khi xây dựng các con đập là tác động của chúng đối với việc các loài cá di cư và việc trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam - nơi sản xuất một nửa sản lượng lương thực của đất nước. Vùng đồng bằng này phụ thuộc vào phù sa nhiều khoáng sản mà đã bị ngăn chặn một phần bởi các con đập của Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng các con đập mới sẽ ngăn chặn nhiều bùn hơn nữa và các loài cá phải di cư một chặng đường dài để đẻ trứng. Ủy ban Sông Mekong, một cơ quan tư vấn được thành lập năm 1995 bởi các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, ước tính những thiệt hại của việc xây dựng các con đập đối với ngành công nghiệp đánh bắt cá khoảng 2 tỷ USD. Theo một nghiên cứu năm 2006, trong số hàng trăm loài cá ở sông Mekong thì có tới 87% là sống di cư.
Một số nhà phân tích đã nhìn thấy những mầm mống của sự xung đột quốc tế trong việc đổ xô xây dựng các con đập trên dòng sông. Các nhóm dân sự ở Thái Lan nói rằng họ thất vọng khi Trung Quốc dường như không quan tâm đến việc các con đập ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống của những người dân ở hạ lưu dòng sông.
Tháng 8/2009, tỉnh An Giang, Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch "Hãy cứu lấy sông Mekong", phản đối việc xây dựng các con đập ở sông. Cả Trung Quốc và Mianma, hai quốc gia ở phía Bắc mà sông Mekong chảy qua, đều không phải là thành viên của Ủy ban sông Mekong. Điều này đã khiến cho cả hai nước này được tự do không phải thực hiện các nghĩa vụ tham vấn các nước khác về các vấn đề như xây dựng các đập nước hay chia sẻ nguồn nước. Chưa hết, hiện tại các đập nước chưa phải là mối quan tâm mang tính chất quốc gia của bất kỳ nước nào dọc theo dòng sông.
Vẫn chưa có bất kỳ một cuộc phản đối lớn nào và đối với nhiều người ở trong khu vực, các đập nước là biểu tượng của sự phát triển. Sự phát triển của sông Mekong cũng là một lời khẳng định về một châu Á mới mà không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột tư tưởng. Jeremy Bird, một chuyên gia thuộc Ủy ban sông Mekong, nói rằng các con đập nước có khả năng rải đều trên dòng sông, hạn chế ngập lụt và làm cho dòng sông trở nên dễ đi lại hơn. Tuy nhiên, đối với Pornlert, dòng sông luôn luôn khó lường, sẽ khó khăn hơn để đánh bắt cá và sẽ không còn thỏa mái tắm rửa trên dòng sông này nữa bởi vì có quá nhiều rác thải và ô nhiễm. "Mực nước của dòng sông thường phụ thuộc vào mùa vụ, nhưng bây giờ nó phụ thuộc vào việc Trung Quốc cần và muốn bao nhiêu nước", Pornlert nói.
(Tiêu đề do TG&VN đặt)