14 văn kiện cùng hàng chục thỏa thuận khác được ký kết giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước trị giá khoảng 22 tỷ USD… là những con số cụ thể phản ánh thành công của chuyến thăm. Đặc biệt, kết quả tốt đẹp được thể hiện rõ nét qua việc Thủ tướng Shinzo Abe và "người bạn thân" - cách ông Abe gọi người đồng cấp Việt Nam - nhất trí nhiều nội dung quan trọng trong cuộc hội đàm "thẳng thắn và đầy ý nghĩa". Tại họp báo ngày 6/6, Thủ tướng Abe cho biết ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "sẽ nắm chặt tay nhau để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân hội kiến Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản, ngày 6/6/2017 tại Tokyo (Nhật Bản). (Nguồn: TTXVN) |
Trong Tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm, hai Thủ tướng khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng. Lãnh đạo của hai quốc gia biển tiếp giáp với đại dương rộng lớn cho rằng, duy trì và củng cố một trật tự biển tự do và cởi mở dựa trên luật pháp là nền tảng của lợi ích chiến lược vì sự ổn định và thịnh vượng của cả hai nước và cộng đồng quốc tế. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách chất lượng nhất.
Ấn tượng Nhật Bản
Trong chuyến thăm Nhật Bản lần thứ hai trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần bày tỏ ấn tượng sâu sắc của ông với đất nước Mặt trời mọc. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, hôm 5/6 ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng đã nói tới "sự thần kỳ Nhật Bản", vai trò của nước này trong sự phát triển của châu Á. Theo Thủ tướng, không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu khu vực với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực, Nhật Bản còn là tấm gương về văn hóa kỷ luật, kiên nhẫn và đức hy sinh. Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần đoàn kết, kỷ luật, bình tĩnh của nước Nhật trong thảm họa kép năm 2011, được khắc họa chân thật qua hình ảnh người dân Nhật Bản trật tự xếp hàng, cậu bé 9 tuổi nhường đồ ăn cho người khác, những người cứu hộ không quản ngại nguy hiểm, bền bỉ tìm kiếm nạn nhân…
Còn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, diễn ra cùng ngày, Thủ tướng cho biết sự kiện khiến ông nhớ lại khoảng thế kỷ XVI, Hội An - thương cảng nằm ở tỉnh Quảng Nam - đã dần hình thành một trong những nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á. Người Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên đã có những đóng góp quan trọng, đưa Hội An tham gia vào hệ thống thương mại xuyên biên giới, trở thành nơi mà đến hôm nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của mô hình cảng thị hội nhập quốc tế vào buổi sơ khai của nền thương mại toàn cầu.
Đối với nhiều người Việt Nam, mỗi công trình, dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản là một biểu tượng của sự giúp đỡ mà nước này dành cho Việt Nam. Đó là hình ảnh cây cầu dây văng bắc qua sông Hồng - Nhật Tân - công trình tầm cỡ góp phần thay đổi diện mạo phía Bắc thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 Hà Nội, tuyến cao tốc đô thị trên cao đầu tiên của cả nước sử dụng nguồn vốn tài trợ từ Nhật Bản; hay trường Đại học Việt-Nhật, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam… Cùng với những công trình hiện hữu kể trên, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc… mà hai Thủ tướng đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ thực hiện sẽ góp thêm những biểu tượng hữu nghị, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.
Hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe. (Nguồn: Japan Times) |
Mạnh mẽ và thực chất
Trong Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ Việt – Nhật đã và đang “phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất" trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hai nước xây dựng được quan hệ hữu nghị tốt đẹp nhất từ trước đến nay, tăng cường tin cậy về chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, tích cực phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Những thành quả trên có được là nhờ nỗ lực và thiện chí của Chính phủ, nhân dân hai nước kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973). Bên cạnh đó, không thể không kể đến yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của mối quan hệ này, đó là sự kết nối tự nhiên giữa hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nhiều điểm tương đồng về văn hóa.
Nhật Bản là nước đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Quan hệ Việt -Nhật đã trải qua nhiều dấu mốc đáng chú ý, trong đó có sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á (năm 2009), rồi Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2014)… Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Bên cạnh đó, kết quả chuyến thăm củng cố thêm niềm tin rằng: "không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước", như lời phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam.
Giấc mơ châu Á
Một trong những nội dung quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm là sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu mở đầu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”.
Trong bài phát biểu thu hút sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới, Thủ tướng cho rằng dù toàn cầu hóa có được ủng hộ hay không, đó vẫn là xu thế tất yếu. "Những hành trình ngược xuôi, những câu chuyện huyền thoại trên con đường tơ lụa lịch sử đã giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức như diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, biến đổi khí hậu... Thủ tướng đề xuất ba nhóm giải pháp để giải quyết những thách thức này. Đó là: duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế...
Thủ tướng chia sẻ, chúng ta thường nghe về "Giấc mơ Mỹ" hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam... còn ít được biết đến. Ông nhấn mạnh, châu Á phải là nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển. “Tôi mong rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng”, Thủ tướng nói.