TIN LIÊN QUAN | |
Hãy lên Hà Giang khai phá tiềm năng, nắm bắt cơ hội | |
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn |
Hà Giang là tỉnh nằm ở vùng địa đầu cực Bắc của Việt Nam, với vị trí là nơi tiếp giáp, giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời, là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng như: Mông, Tày, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y…
Mê đắm Hà Giang
Vùng núi đất phía Tây của tỉnh gồm 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh, là nơi hội tụ nhiều con suối thượng nguồn của Sông Chảy và Sông Bạc. Nơi có nhiều dòng suối khoáng nóng chảy qua, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ như: suối khoáng Nậm Choong, xã Quảng Nguyên (Xín Mần), Làng Giang, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì).
Cột cờ Lũng Cú. (Nguồn: SaigonTouris) |
Đặc biệt, 2 đỉnh núi là Tây Côn Lĩnh thuộc khu vực xã Túng Sán có độ cao 2.423m và đỉnh Chiêu Lầu Thi, xã Hồ Thầu có độ cao 2.402m, ngoài ra còn một số đỉnh núi có độ cao trên 2.000m thuộc địa bàn các xã Nậm Ty, Đản Ván, Tả Sử Choóng, nối giữa những đỉnh núi dọc theo các sườn núi với cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng là những con đường mòn hiểm trở, phù hợp cho phát triển loại hình du lịch mạo hiểm khám phá và tổ chức các giải đua mô tô hoặc ô tô mạo hiểm.
Nơi đây còn được biết đến với bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần), danh thắng ruộng bậc thang, đặc sản chè Shan tuyết cổ thụ (Hoàng Su Phì). Với văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Mông, các giá trị văn hoá độc đáo được thể hiện qua các lễ hội như: Lễ hội Quỹa Hiéng, Lễ hội cấp sắc, Lễ gọi hồn lúa...
Với các sản phẩm du lịch tâm linh, các địa danh Khu di tích lịch sử cách mạng Trọng Con (huyện Bắc Quang), chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm (huyện Vị Xuyên) đền Mẫu, chùa Quan Âm (TP. Hà Giang), Căng Bắc Mê (huyện Bắc Mê) ngày càng trở nên quen thuộc với du khách. Khu vực này còn nổi tiếng với loại hình du lịch trang trại cam, táo, đà điểu, công… cùng những làng văn hoá du lịch cộng đồng của dân tộc Tày, Dao đầy thơ mộng.
Thành phố Hà Giang còn là trung tâm, là cửa ngõ kết nối tuyến du lịch giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Trung Quốc). Hiện nay, tuyến du lịch trên sông Gâm là một trong những sản phẩm chính thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, đặc biệt khách Trung Quốc.
Hà Giang còn được biết tới với Lễ hội nhảy lửa huyền bí của dân tộc Pà Thẻn (Quang Bình), Lễ hội đền (TP. Hà Giang), Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày (Vị Xuyên)và cũng là vùng có nhiều khu sinh thái, nghỉ dưỡng như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Thanh Hà (Vị Xuyên), khu du lịch sinh thái Thạch Lâm Viên, Trường Xuân (TP. Hà Giang) .
Vùng cao núi đá phía Bắc gồm các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ du khách và những nhà nghiên cứu khoa học.
Những đỉnh đèo, vách núi nổi tiếng như Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”, Cổng trời, Núi Đôi (huyện Quản Bạ), hoang mạc đá, sa mạc đá, rừng đá (huyện Đồng Văn, huyện Mèo Vạc), Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc của Tổ quốc. Đây cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc thiểu số với những làn điệu dân ca, những nét văn hoá đặc sắc. Vùng đất có Chợ tình Khâu Vai nổi tiếng mỗi năm chỉ họp một lần, có Lễ hội khèn Mông, Lễ hội Hoa Tam giác mạch... luôn là những địa điểm thu hút đông đảo du khách.
Với những giá trị đặc biệt đó, năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang đã được Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và là khu du lịch trọng điểm Quốc gia.
Hà Giang còn là mảnh đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán dân tộc thiểu số độc đáo và duy nhất ở Việt Nam và những con người nồng hậu, mến khách.
TOP 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam
Với những lợi thế trên, qua các năm, lượng khách du lịch đến Hà Giang không ngừng tăng lên. Năm 2017, du khách đến Hà Giang đạt trên 1.023.653 lượt, (tăng 20% so với năm 2016). Tổng thu từ du lịch đạt 913,6 tỷ đồng. Chất lượng, số lượng phòng nghỉ được nâng lên.
Hệ thống cửa hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch đã được chú trọng đầu tư về chất lượng; các cơ sở đã có cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết bảo vệ môi trường, thái độ phục vụ chu đáo, thân thiện, nhiệt tình; an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Với những gì đã đạt được, năm 2017 du lịch Hà Giang rất vinh dự được chuyên trang du lịch tạp chí Rongh Guides (Anh) bình chọn là một trong mười điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, so với cả nước, Hà Giang vẫn là một tỉnh đặc biệt khó khăn về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí và những khó khăn đó cũng chính là thách thức lớn của tỉnh khi kêu gọi, thu hút đầu tư. Do đó, mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt hiện nay của tỉnh là phải sớm đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tiến tới có trình độ phát triển chung của khu vực. Để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tỉnh đã đề ra “2 đột phá” và “5 chương trình trọng tâm” phát triển trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, phát triển du lịch là một trong năm chương trình trọng tâm lớn của tỉnh.
Doanh nghiệp phát tài - Hà Giang phát triển
Để thu hút nhà đầu tư, Hà Giang luôn và sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn, các huyện phía Tây và trung tâm thành phố Hà Giang, nhằm phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu và di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Trong những năm tới, tỉnh tiếp tục kiến nghị đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, như đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; tuyến kết nối giao thông giữa Hà Giang với các tỉnh giáp ranh (Tuyên Quang, Cao Bằng). Đồng thời, thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trở thành các sản phẩm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng riêng của Hà Giang. Quan tâm đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm đến việc tạo cơ chế thông thoáng và an tâm cho các doanh nghiệp khi đến với Hà Giang.
Một loạt các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư như: Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lãi xuất, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư, quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp… đã được triển khai. Đặc biệt, năm 2016 tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND về khuyến khích phát triển du lịch, trong đó, tập trung vào một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch hang động...
Với tiềm năng phong phú, vị thế địa lý thuận lợi, tỉnh Hà Giang luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác nhiều hơn từ các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn uy tín nước ngoài đến với địa phương tham quan, khảo sát và tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Chính quyền các cấp, các ngành của Tỉnh đang và sẽ nỗ lực hơn nữa vì một môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thông thoáng, thuận lợi vì hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ nói riêng và các lĩnh vực đầu tư khác nói chung với mục tiêu: “Doanh nghiệp phát tài - Hà Giang phát triển”.
Hà Giang mở nhiều tour du lịch hấp dẫn du khách Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang vừa công bố một loạt các sản phẩm du lịch mới đến các công ... |
Đại sứ Mỹ đạp xe thăm Hà Giang Đại sứ Ted Osius và đoàn công tác của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa có chuyến thăm tỉnh Hà Giang để khám ... |
Lên Đồng Văn Mèo Vạc Sau hai mươi sáu năm bôn ba hải ngoại, anh Nguyễn Khắc Viện về nước đã đi khắp mọi nơi từ Bắc chí Nam để ... |