📞

Hãy quảng bá những gì vốn có

19:14 | 01/01/2015
Ông Inami Kazumi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng quốc gia muốn quảng bá văn hóa ra bên ngoài thì phải giới thiệu một cách chân thực như việc giới thiệu một cô gái qua nụ cười chứ không phải qua gương mặt son phấn.
Ông Inami Kazumi, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Phải có nền tảng

Thúc đẩy thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa và giao lưu văn hóa là một chiến lược ngoại giao. Chiến lược này đang được nhiều quốc gia ưa chuộng và có xu hướng phát huy được tối đa hiệu quả.

Tại Nhật Bản, quảng bá và giao lưu văn hóa không chỉ được thực hiện bằng các chủ thể nhà nước như Quỹ giao lưu văn hóa quốc tế mà còn thông qua doanh nghiệp tư nhân và cá nhân. Ví dụ như hãng Honda nhiều lần đưa đội bóng của Nhật Bản sang đá giao hữu với đội bóng của Việt Nam. Qua hoạt động đó, thương hiệu Honda và hình ảnh quốc gia Nhật Bản được nhìn nhận cụ thể và rõ ràng.

Tuy nhiên, một quốc gia muốn quảng bá văn hóa của mình thì phải có một nền tảng văn hóa nhất định và giới thiệu nó một cách chân thực như vốn có. Cách đây hai năm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản mời giáo sư Watanabe - một chuyên gia Nhật Bản đến Đại học Hà Nội để thuyết trình về chính sách ngoại giao văn hóa. Ông nói rằng "Hãy quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia như bản thân nó, không cần đeo lên nó một thứ 'trang sức' nào khác". Điều này có thể ví như việc bạn muốn giới thiệu một cô gái thì hãy giới thiệu về nụ cười thay vì về gương mặt trang điểm của cô ấy.

Đây cũng là lý do Trung tâm nỗ lực không ngừng với mục tiêu giới thiệu văn hóa Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực từ truyền thống đến đương đại để mọi người có thể hiểu văn hóa đất nước chúng tôi từ gốc rễ. Nếu nói đến Nhật Bản mà chỉ liên tưởng tới hoa anh đào, núi Phú Sĩ thì chưa đủ. Cũng như khi nghĩ về Việt Nam, nếu người Nhật chỉ nghe và biết đến áo dài, nhìn phụ nữ Việt Nam mặc áo dài thì cũng không thể nói là hiểu rõ văn hóa Việt.

Tìm sự khác biệt

Chính phủ Nhật Bản đề cao thúc đẩy hình ảnh quốc gia ra bên ngoài. Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông qua Quỹ giao lưu quốc tế tại các nước liên tục tổ chức chuỗi hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh đất nước thông qua văn hóa. Ngoài ra, Bộ Kinh tế và Công nghiệp cũng có nhiệm vụ này với nhiều chính sách quy mô để quảng bá hình ảnh đất nước thông qua sản phẩm hàng hóa.

Hiện nay, Bộ Kinh tế và Công nghiệp đang triển khai chiến lược "Cool Japan Initiative", thông qua các công ty tư nhân mang sản phẩm chứa đựng nét đặc trưng văn hóa Nhật Bản như thời trang, đồ gia dụng, phim ảnh, truyện tranh, du lịch ra toàn thế giới. Chiến lược đặt mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia lên hàng đầu sau đó là mục tiêu lợi nhuận.

Theo tôi, một quốc gia muốn quảng bá hình ảnh thì phải cân bằng cái mình muốn quảng bá với cái người ngoài trông đợi. Quốc gia cũng phải đặt nền văn hóa của mình trong tương quan so sánh với nền văn hóa khác để tìm ra sự khác biệt, chính sự khác biệt sẽ góp phần làm nên được thương hiệu.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì Việt Nam nên quảng bá mạnh mẽ hơn nữa nghệ thuật trình diễn thông qua Chèo, bởi nó tổng hợp nhiều nét của nghệ thuật trình diễn khác. Nhưng để làm tốt việc quảng bá loại hình nghệ thuật này các bạn cũng phải chuẩn bị kỹ tài liệu liên quan.

Khi giới thiệu về các loại hình văn hóa, nghệ thuật thì không nên dừng lại ở một mà phải là nhiều loại hình cổ đại và đương đại, giữa các loại hình cũng không nên có sự ưu tiên, thiên vị. Đây cũng là cách chúng tôi hoạt động để giới thiệu văn hóa của Nhật Bản.

Vợ chồng trong một nhà còn không thể hiểu hết nhau nói chi đến việc hiểu và thích về nền văn hóa khác mình. Như vậy, quảng bá văn hóa là quá trình không hề đơn giản. Tôi ở Việt Nam đã hơn ba năm, cũng không thể cụ thể hóa suy nghĩ của tôi về hình ảnh Việt Nam… Tôi thấy giữa Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, vẫn còn những điểm tốt và những điểm chưa tốt. Các bạn cần phải cố gắng hơn để đưa hình ảnh của đất nước ngày một vươn xa hơn nữa.

Hằng Phạm (ghi)