Trước đó, ngày 4/8, cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua sau khi chỉ nhận được 2 phiếu tín nhiệm, trong khi có tới 11 phiếu không tín nhiệm trong lần bỏ phiếu thứ nhất.
Theo kết quả bỏ phiếu lần hai của HĐBA, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres tiếp tục dẫn đầu với 11 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu không tín nhiệm và 2 phiếu không có ý kiến. Tỷ lệ phiếu trong lần bỏ phiếu thứ nhất của ông Antonio Guterress là 12-0-3.
Đứng vị trí thứ hai và cùng được 8 phiếu tín nhiệm là cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra. Tuy nhiên, ông Jeremic có số phiếu không tín nhiệm thấp hơn, chỉ 4 phiếu so với 6 phiếu của bà Malcorra.
Đáng chú ý, người về vị trí thứ hai trong lần bỏ phiếu trước là ông Danilo Turk, cựu Tổng thống Slovenia, đã tụt xuống vị trí thứ tư, và chỉ nhận được 7 phiếu tín nhiệm (giảm 4 phiếu so với lần trước), 5 phiếu không tín nhiệm và 3 phiếu không ý kiến.
Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Nguồn: The Telegraph) |
Ứng viên nữ sáng giá và đứng ở vị trí thứ ba trong lần bỏ phiếu kín thứ nhất (được 9 phiếu tín nhiệm) là bà Irina Bokova, Chủ tịch UNESCO, lần này chỉ được 7 phiếu tín nhiệm, và số phiếu không tín nhiệm cũng lên tới 7 phiếu - tăng 3 phiếu so với lần trước.
Ứng viên nữ tiềm năng khác là bà Helen Clark, Tổng Giám đốc UNDP, cũng không nhận được kết quả tốt trong lần bỏ phiếu thứ hai. Bà Helen Clark chỉ được 6 phiếu tín nhiệm, giảm 2 phiếu. Số phiếu không tín nhiệm tăng từ 5 lên 8 phiếu.
Việc HĐBA LHQ bỏ phiếu tín nhiệm được cho là để các ứng viên thấy được mức độ tín nhiệm của mình, và có thể tự rút lui nếu như cảm thấy không nhận được nhiều sự ủng hộ. Lá phiếu có ba lựa chọn là "tín nhiệm", "không tín nhiệm" và "không có ý kiến".