📞

HĐBA chuẩn bị bỏ phiếu về nghị quyết ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Libya, Nga có lập trường không rõ ràng

07:06 | 12/02/2020
TGVN. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) khẳng định sẽ tiến hành bỏ phiếu về nghị quyết ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Libya trong ngày 12/2.
HĐBA chuẩn bị bỏ phiếu về nghị quyết ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Libya. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

Nghị quyết - do Anh dự thảo - khẳng định, các bên xung đột ở Libya, gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) và quân đội miền Đông (LNA), phải nhanh chóng ký kết một thoả thuận ngừng bắn lâu dài, vô điều kiện.

Nỗ lực này sẽ cho phép chấm dứt chiến sự giữa GNA và LNA, vốn bùng phát từ đầu tháng 4/2019. Nghị quyết cũng đề cập đến việc mời Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) và Liên minh châu ÂU (EU) tham gia giám sát hoạt động thực thi thoả thuận ngừng bắn.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Anh đã kêu gọi tổ chức cuộc bỏ phiếu trên. Tuy nhiên, lập trường của Nga, quốc gia đã ngăn chặn một bản dự thảo nghị quyết một tuần trước đó, hiện không rõ ràng.

Hôm 8/2, các phiên đàm phán trong khuôn khổ cuộc họp của Uỷ ban quân sự chung 5+5 Libya, diễn ra ở Geneva, dưới sự bảo trợ của LHQ đã kết thúc nhưng không đạt được bất cứ thoả thuận nào về lệnh ngừng bắn. LHQ đã đề xuất một vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 18/2 tới.

Ngày 11/2, HĐBA cũng đã thông qua Nghị quyết 2509 gia hạn lệnh cấm xuất khẩu dầu bất hợp pháp từ Libya, bao gồm cả dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, cho đến ngày 30/4/2021. Lệnh cấm vận hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 15/2/2020.

Nghị quyết 2509 đã giành được sự ủng hộ từ 14/15 thành viên của HĐBA LHQ. Riêng Nga bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết 2509 cũng quy định kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng chuyên gia hỗ trợ Uỷ ban trừng phạt Libya của HĐBA cho đến ngày 15/5/2021. Cơ quan này sẽ phải đệ trình lên HĐBA một báo cáo sơ bộ về hoạt động trước ngày 15/9/2020 và một báo cáo cuối cùng kèm theo những phát hiện và khuyến nghị trước ngày 15/3/2021.

Nghị quyết 2509 kêu gọi sự tuân thủ đầy đủ của tất cả các quốc gia thành viên LHQ đối với lệnh cấm vận vũ khí, lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản, cũng như không can thiệp hoặc thực hiện các biện pháp làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay ở Libya.

(theo AFP)