Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại phiên họp của HĐBA về tình hình Syria. (Nguồn: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ) |
Báo cáo trước HĐBA, Đặc Phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen cho biết, các bên đang chuẩn bị các bước cuối cùng để tiến hành phiên họp thứ ba của Uỷ ban Hiến pháp tại Geneva, Thụy Sỹ, vào ngày 24/8.
Theo ông Pedersen, các bên mất tổng cộng 9 tháng để tái khởi động tiến trình đàm phán này do những khác biệt liên quan tới Chương trình nghị sự và do tác động của Đại dịch Covid-19. Đặc Phái viên khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa các thành viên Uỷ ban nhằm có kết quả thực chất và hiệu quả, phù hợp với mong đợi của hàng triệu người dân Syria - những người đang phải chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng tại nước này.
Đặc Phái viên cho biết, Thoả thuận ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Tây Bắc Syria cơ bản được duy trì; tuy nhiên ông cũng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến an ninh phức tạp tại khu vực này, cùng với việc khủng bố gia tăng hoạt động, ngăn cản các cuộc tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib.
Tình hình tại Đông Bắc cũng đáng quan ngại, trong đó có việc một tướng quân đội Nga đã thiệt mạng ngày 18/8 sau một vụ tấn công bằng thiết bị nổ tự chế tại Deir-ez-Zor, cũng như vụ va chạm giữa binh lính Mỹ và Syria tại Hasakah đầu tuần này.
Ngoài ra, Đặc Phái viên cũng tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của Covid-19 tại Syria, khi số lượng ca nhiễm tăng rất nhanh, hiện theo báo cáo đã có 2.114 ca và con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Chia sẻ quan tâm của thành viên HĐBA, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh nhu cầu cần bảo đảm tình hình an ninh thuận lợi để tạo điều kiện thúc đẩy giải pháp chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA.
Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các thành viên Uỷ ban Hiến pháp tiến hành đàm phán với tình thần thiện chí và xây dựng, cho rằng việc nối lại đàm phán sau một thời gian dài gián đoạn là dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị toàn diện.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường ủng hộ Syria, đặc biệt trước những thách thức kinh tế-xã hội và tác động nghiêm trọng của Covid-19 hiện nay.
* Định kỳ hàng tháng, HĐBA tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hoá học. Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn. * Uỷ ban Hiến pháp Syria (thành lập vào tháng 9/2019) là tiến trình cho LHQ hỗ trợ, nhằm thúc đẩy việc đàm phán sửa đổi Hiến pháp giữa Chính quyền Syria và phe đối lập trên cơ sở tiến trình chính trị đề ra tại Nghị quyết 2254 của HĐBA. |