Bộ quốc phòng Nga có kế hoạch trang bị tên lửa Kh-101 cho 50 máy bay Tu-160M được chế tạo mới từ đầu. (Nguồn: Military Today) |
Bộ quốc phòng Nga chưa chính thức đưa ra bình luận gì về sự việc trên, nhưng trên các trang mạng đăng tải nhiều video về quỹ đạo phức tạp của loại tên lửa này.
Tên lửa Kh-101 mang đầu đạn thông thường, là loại vũ khí do Nga tự chế tạo hoàn toàn.
Giai đoạn 1995-2013, khi phát triển tên lửa Kh-101, phòng thiết kế Raduga đã áp dụng công nghệ tàng hình. Phiên bản tương tự với Kh-101 là Kh-102. Đây là phiên bản có thể mang đầu đạn nhiệt hạch, có công suất giao động trong khoảng từ 250 kt (kiloton) đến 1 Mt (megaton).
Tên lửa Kh-101 được ứng dụng hệ thống dẫn đường tổng hợp (dẫn đường quán tính kết hợp với dẫn đường quang - điện), giai đoạn cuối của quỹ đạo bay, đầu đạn của Kh-101 có khả năng tự tìm đến mục tiêu.
Năm 2015, máy bay chiến lược tầm xa Tu-160 và Tu-95MS của Nga đã sử dụng tên lửa Kh-101 để tấn công phiến quân ở Syria.
Một số tính năng kỹ-chiến thuật của tên lửa Kh-101
Đầu đạn của Kh-101 có khối lượng 400kg. Tầm bắn tối đa đạt 5.500km. Độ cao của quỹ đạo bay giao động trong khoảng từ 30m đến 10km.
Phiên bản tên lửa Kh-101 trang bị cho tuần dương hạm có thể bay với tốc độ 190 đến 200m/s, tốc độ bay tối đa có thể lên tới 250 đến 270m/s.
Sai số khi tiêu diệt mục tiêu di động không quá 10m (giá trị này không phụ thuộc vào loại đầu đạn mà tên lửa được trang bị). Khi tấn công mục tiêu cố định, tên lửa Kh-101 có sai số không quá 7m.
Tên lửa Kh-101 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, có thể gây nhiễu cho tổ hợp radar, vì vậy tên lửa phòng không của đối phương rất dễ bị đánh lừa - hệ thống phòng không của đối phương gặp rất nhiều khó khăn để đối phó.
Với tầm bắn xa, tên lửa Kh-101 có thể bay vòng và tránh những khu vực mà hệ thống phòng không và lá chắn tên lửa của địch đang hoạt động. Vì vậy, khi được trang bị tên lửa Kh-101, máy bay chiến lược tầm xa Tu-160 của Nga hoàn toàn có thể qua mặt được tai mắt của phòng không đối phương.
Tầm bắn xa của tên lửa Kh-101 có thể cho phép máy bay ném bom không cần phải bay vào vùng tác chiến, có thể cất cánh từ sân bay của mình và phóng tên lửa vào những mục tiêu cần tiêu diệt. Sau đó, máy bay có thể hạ cánh, nạp nhiên liệu và vũ khí, tiếp tục tổ chức tấn công. Hành động này có thể lặp lại nhiều lần tùy ý muốn chủ quan.
Máy bay nào có thể trang bị tên lửa Kh-101?
Tên lửa Kh-101 sẽ được trang bị cho máy bay chiến lược, tầm xa đã được nâng cấp Tu-160M. Hai khoang bên trong của Tu-160M có thể chứa được 12 quả tên lửa Kh-101.
Máy bay có động cơ turbin, phản lực cánh quạt Tu-95MS chỉ mang được 8 quả, cố định trên giá treo bên ngoài. Do vậy, khi Tu-95MS bay thường phát ra âm thanh rất đặc trưng.
Hiện nay, lực lượng không quân vũ trụ Nga chỉ có 16 chiếc Tu-160. Một số trong số này đã được hiện đại hóa thành Tu-160M.
Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch trang bị tên lửa Kh-101 cho 50 máy bay Tu-160M được chế tạo mới từ đầu.
Tính đến thời điểm tháng 12/2020, Nga đã sở hữu 64 máy bay Tu-95MS, một phần trong số này đã được trang bị hệ thống ngắm và tổ hợp định vị mới. Đây là điều kiện quan trọng để loại máy bay này được tiếp nhận tên lửa hành trình, chiến lược Kh-101.
Trong tương lai, tất cả máy bay tầm xa của Nga (kể cả những phiên bản sắp ra mắt) đều có thể sử dụng được tên lửa Kh-101.
Không có đối thủ
Tên lửa hành trình, chiến lược mang đầu đạn thông thường Kh-101 và phiên bản mang đầu đạn hạt nhân Kh-102 của Nga đều chưa có đối thủ cạnh tranh trên thế giới.
Trong lĩnh vực chế tạo tên lửa hành trình chiến lược “không đối đất”, Mỹ đang tụt hậu khá xa so với Nga. Phiên bản tên lửa hành trình, chiến lược mới nhất của Mỹ là AGM-86, có tầm bắn 2.780km, tầm bắn của phiên bản AGM-129 ACM cũng chỉ đạt 3.700km.