📞

Hiểm nguy nghề bắt rắn

00:03 | 29/12/2009
Trước khi về với tổ tiên, lo cho người con trai Nguyễn Thế Quốc bị tật từ nhỏ, cụ Nguyễn Thế Chuyền đã phải truyền lại cái nghề “vạn bất đắc dĩ” bắt rắn để mong kiếm kế sinh nhai. Sau mấy chục năm hành nghề, ông Quốc đã nổi tiếng khắp vùng gần xa bởi không chỉ là bắt rắn để mưu sinh mà ông còn cứu được hàng trăm người dân thoát chết khi đi làm đồng bị rắn cắn mà không lấy một đồng.

Không được phép sơ sẩy

“Vua rắn” Nguyễn Thế Quốc ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Ninh đang lúi húi chuẩn bị đồ nghề cho một buổi đi bắt rắn. Theo chân ông leo lên núi Voi, được tận mắt thấy ông sau khi “bày binh bố trận” và lôi từ trong khe đá ra một con hổ mang nặng trên 2kg đầu ngóc cao đang bạnh mang phun phì phì như bễ lò rèn mới thấy độ nguy hiểm đến mức nào. Ông bảo, nếu sơ sẩy để nó cắn mà không có thuốc kịp thời hoá giải thì việc về ngồi "trông chuối" là điều khỏi bàn cãi.

Nhìn dáng người nhỏ thó của ông Quốc lúc nhảy sang phải, lúc nhảy sang trái để đè đầu con hổ mang rồi thoắt cái đã thấy ông tóm được đầu, đủ để thấy sự điêu luyện như thế nào. Con hổ mang cố gồng mình quấn chặt vào tay ông nhưng cuối cùng đành chấp nhận chui vào bao tải. Đa số rắn bắt về ông Quốc không bán ngay mà thả vào mấy chiếc bể xây kín rồi bắt cóc về cho rắn ăn. Trong bể nhà ông lúc nào cũng có 3 đến 5 con hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn ráo… Giới sành rượu rắn thường tìm đến tận nhà ông. Có người cầu kỳ còn vác cả bình và rượu đến và nhờ làm rồi ngâm luôn. Bộ tam xà có 3 con gồm rắn ráo, cạp nong và hổ mang, còn ngũ xà thì có thêm 2 con cạp nia hoặc hổ trâu.

Theo ông Quốc, mỗi loại rắn có cách bắt khác nhau. Hiện tại, con cạp nia vẫn được xếp vào loại "khó nhằn" và nguy hiểm nhất. Ngoài tốc độ lia nhanh, cạp nia khi cắn thì "êm du" và đến lúc chất độc chạy vào tim cận kề cái chết mới biết mình bị cắn. Khi bị hổ chúa cắn, nọc độc chạy đến đâu là tê ngay đến đấy. Tuy nhiên, với giới "trong nghề" thì ngoài loài rắn ráo ra bất cứ loại rắn nào cũng đều nguy hiểm. Chính vì cái nghề nguy hiểm, tính mạng luôn bị đe doạ nên ông Quốc mới bộc bạch rằng trước mỗi lần đi bắt rắn, ngoài chuẩn bị kỹ lưỡng đồ nghề ra còn phải uống rượu mật rắn cho đỡ... sợ.

30 năm làm nghề vẫn rùng mình

Nổi tiếng là giỏi và cẩn thận, nhưng trong hơn 30 năm hành nghề nghĩ lại ông Quốc vẫn thấy rùng mình. Đó là lần ông bắt phải con hổ chúa nặng 4,7kg ở Thành cổ Bắc Ninh. Tường Thành cổ được xây bằng những viên đá ong đã có hàng trăm năm tuổi, tường dày 6-7m, chân tường có rất nhiều hang hốc nằm kề những ao sâu, cây cối mọc um tùm. Các loại rắn tìm đến săn chuột rồi chiếm luôn hang để ở, lâu dần thành “vương quốc” của rắn. Nghe mấy người trông ao cá nói chuyện thỉnh thoảng lại nhìn thấy một con rắn thân to như bắp chân người, da màu chì bóng loáng dài trên 3m ra ngoài sưởi nắng rồi lại mất hút trong bức tường đá ong ngóc ngách. Máu nghề nổi lên, ông Quốc quyết tâm bắt bằng được con “mãng xà” này.

Phải đi lại gần 2 năm trời, ông Quốc mới lần tìm được đường vào hang. Nhưng tường Thành cổ là di tích lịch sử nên không được đào bới, ông Quốc phải mất 1 tháng trời nằm phục trước cửa hang rồi dùng mồi nhử con hổ mang ra ngoài để có cơ hội bắt. Khi con rắn đuổi theo con mồi ra ngoài thì hoá ra là con hổ chúa. Giật mình chững lại nhưng ông Quốc vẫn lao ra dùng móc, kẹp sắt để bắt. Thấy động, con hổ chúa bỏ mồi lao vào tấn công ông Quốc. Sau hàng chục cú quăng, mổ tấn công đối phương không thành, nó tìm đường trườn về hang nhưng đã bị ông Quốc chặn lại. Hơn nửa giờ chống cự quyết liệt, cuối cùng, nó phải ngoan ngoãn chui vào bao tải bởi ngón bắt gia truyền.

Ông Quốc cho biết rắn hổ mang bình thường thì nhiều nhưng hổ chúa không phải lúc nào cũng bắt được. Hổ chúa khi trưởng thành có kích thước lớn hơn các loại rắn khác hổ mang khác và rất hung dữ, khi đói nó tấn công và nuốt luôn cả các loại rắn khác. Chỉ nghe tiếng động cách xa hàng trăm mét là nó đã kịp lẩn trốn khó mà phát hiện ra nếu không có nghề. Vừa bắt xong thì có ông khách đến nằng nặc đòi mua ngay với giá gần 800.000 đồng (năm 2003) còn giá hiện nay, con hổ chúa này phải trên 10 triệu đồng.

Sau hơn 30 năm theo nghề, ông Quốc cũng không thể nhớ đã bắt được bao nhiêu con rắn. Nhưng có lẽ nhiều nhất thường là vào mùa nước, một đêm ông phải bắt được vài chục con. Trung bình một con rắn trưởng thành đẻ một lứa phải trên dưới 40 trứng mà tỉ lệ hỏng chỉ có 1%, vì vậy mỗi lần đi bắt rắn là ông thường có quyển sổ ghi lại địa điểm, thời gian. Năm sau quay lại, chắc chắn sẽ có rất nhiều rắn trưởng thành...

Mưu sinh và cứu người

Mặc dù được mệnh danh là bậc thầy trong nghề bắt rắn nhưng chính bản thân ông Quốc cũng có tới gần 10 lần bị rắn độc cắn. Với kinh nghiệm chữa trị bằng bài thuốc gia truyền, ông đã tự chữa cho bản thân thoát nạn mà chưa phải đến bệnh viện bao giờ. "Khi bị rắn độc cắn, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh. Thường người bị rắn cắn hay hoảng sợ, càng hoảng sợ thì độc tố chạy vào tim nhanh hơn vì lúc đó nhịp tim đập mạnh. Do vậy cần phải bình tĩnh, ngồi im tại chỗ, dùng dây thắt chặt bên trên vết rắn cắn rồi bóp hết máu độc tại vết cắn ra ngoài sau đó nhanh chóng đến bệnh viện, hoặc tìm đến những người biết chữa rắn cắn càng sớm càng tốt", ông Quốc chia sẻ kinh nghiệm.

Một lần, trong đám trẻ chăn trâu trong làng có đứa bị rắn ấp cắn (rắn đang ấp trứng rất độc), khi mấy đứa trẻ khiêng đến nhà ông, nhìn thoáng vết cắn với 2 cái vết răng chéo góc và một lỗ to hơn, ông Quốc đã biết ngay đó là rắn độc. Bóp hết máu độc ở vết cắn ra ngoài, ông đắp lá và cho uống thuốc, sau 3 tiếng, đứa trẻ đã thoát chết.

Ông Quốc còn cứu cả đồng nghiệp thoát chết, đó là ông Thăng ở xã Hoà Sơn. Ông này đi bắt rắn lại bị rắn độc cắn, khi về đến nhà thì tay đã tê liệt tím tái, không còn cảm giác, phải cho người nhà đón ông Quốc đến. Kinh nghiệm cho thấy những người bị rắn độc cắn nếu được chữa trị kịp thời tại chỗ bằng bài thuốc gia truyền có thể tránh được bị khoèo tay, liệt và tử vong. Tuy nhiên, khi chữa trị xong, ông Quốc vẫn cẩn thận bảo người bị rắn cắn đến bệnh viện để đo kiểm tra theo dõi huyết áp.

Trong những lần đi bắt rắn, ông Quốc cũng hay để ý xem khu vực nào có các loại cây thuốc mọc. Ngoài việc đánh dấu, ông còn đánh về trồng xung quanh vườn nhà, đề phòng những lúc không đi lấy được. Cũng nhờ vậy mà ông đã nhiều lần chữa trị kịp thời cho nhiều người. Đến nay, không tính được ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên có bao nhiêu ca bị rắn cắn đã được ông cứu chữa, thậm chí có những ca bị rắn cạp nia cực độc cắn cũng được ông chữa khỏi.

Ông tâm sự: "Tôi bị tật từ nhỏ, ông cụ thân sinh lo tôi không kiếm nổi miếng ăn, cực chẳng đã mới truyền cho cái nghề bắt rắn và chữa rắn cắn. Bắt rắn bán kiếm tiền mưu sinh thì có, nhưng chữa rắn cắn thì chưa bao giờ lấy một đồng nào của ai… tuy đã hơn 30 năm hành nghề và đã hơn 10 lần tự cứu mình và hàng trăm người khác thoát chết, nhưng nhiều lúc nằm nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình”.

Không biết việc bắt rắn có ảnh hưởng gì đến môi trường sinh thái hay không, nhưng theo ông Quốc, nếu để loài rắn độc sống chung với người thì rất nguy hiểm.

Phương Vy