Ngày 20/5, truyền thông nhà nước Iran xác nhận Tổng thống nước này Ebrahim Raisi và những người tháp tùng, bao gồm Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng một ngày trước đó. (Nguồn: AP) |
Máy bay gặp nạn khi chở 9 người, trong đó có Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và một số quan chức cấp cao, sau khi dự lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở khu vực biên giới Iran-Azerbaijan. Trong ảnh: Một trong những hình ảnh cuối cùng của Tổng thống Raisi (trái), khi ông trao đổi với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở biên giới Iran và Azerbaijan ngày 19/5. (Nguồn: Reuters) |
Hình ảnh trên truyền hình Iran ngày 19/5 cho thấy Tổng thống Ebrahim Raisi ngồi cạnh Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian trên trực thăng đang bay qua một con đập ở vùng Jolfa thuộc tỉnh phía Tây Đông Azerbaijan. Ông Raisi có vẻ trầm ngâm, nhìn về phía trước, trong khi một quan chức Iran chưa rõ danh tính ngồi đối diện nhìn ra ngoài cửa sổ. (Nguồn: IRINN/AFP) |
Trực thăng gặp sự cố chiều 19/5, trong thời tiết nhiều sương mù ở khu vực rừng Dizmar, giữa hai thành phố Varzaqan và Jolfa của tỉnh Đông Azerbaijan, khi đang thực hiện hành trình từ Khudafarin đến Tabriz, tỉnh Đông Azerbaijan. Ngay khi nhận được thông tin vụ mất tích, hơn 60 đội cứu hộ sử dụng chó nghiệp vụ và máy bay không người lái đã được cử đến khu vực để tìm kiếm. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ Iran tìm kiếm. Trong ảnh: Khu vực xảy ra tại nạn bị bao phủ bởi sương mù dày đặc. (Nguồn: Reuters) |
Hơn 16 tiếng sau, lực lượng cứu hộ mới phát hiện và tiếp cận xác trực thăng cháy rụi trên sườn núi ở rừng Dizmar, nằm giữa thành phố Varzaqan và Jolfa, tỉnh Đông Azerbaijan, cách thủ đô Tehran khoảng 600 km về phía Tây Bắc.Trong ảnh: Xác chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi cháy rụi trên sườn núi ở tỉnh Đông Azerbaijan, Tây Bắc Iran trong hình ảnh được máy bay không người lái (UAV) quay được ngày 20/5. (Nguồn: AFP) |
Sau khi các đội tìm kiếm xác định được vị trí của mảnh vỡ trực thăng tại tỉnh Đông Azerbaijan, một quan chức của Iran cho biết, vụ tai nạn trực thăng xảy ra tại khu vực hiểm trở trong điều kiện thời tiết lạnh giá. (Nguồn: Anadolu) |
Theo chuyên gia phân tích hàng không Kyle Bailey, ảnh hiện trường cho thấy chiếc trực thăng bị gãy làm đôi, phần đuôi bị rời ra khỏi khung thân, có thể là do cánh quạt chính của trực thăng đã va chạm với phần đuôi. Điều này xảy ra do lực khí động học khi phi công nỗ lực chuyển hướng hoặc cơ động để tìm cách hạ cánh trực thăng, hoặc đã xảy ra trục trặc kỹ thuật nào đấy với cánh quạt. Ông cũng không loại trừ khả năng phần cánh quạt ở đuôi trực thăng bị hỏng, khiến phi cơ bị xoay tròn. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ tập trung tại hiện trường vụ rơi trực thăng ở Varzaghan, Tây Bắc Iran. (Nguồn: AP) |
Rạng sáng 20/5, người đứng đầu Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran, ông Pirhossein Kolivand cho biết, lực lượng cứu nạn không phát hiện thấy dấu hiệu của sự sống tại hiện trường vụ rơi trực thăng chở ông Raisi. (Nguồn: Reuters) |
Theo Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi, các đội cứu hộ gặp khó khăn vì địa hình ở khu rừng Dizmar dốc và rậm rạp, thời tiết khắc nghiệt, sương mù dày đặc. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ tại hiện trường trực thăng chở Tổng thống Raisi mất liên lạc ở Tây Bắc Iran ngày 19/5. (Nguồn: Reuters) |
Các nhân viên cứu hộ phải làm việc trong điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở, sương mù dày đặc, buộc họ phải hành quân bộ, khi trực thăng không thể hoạt động. Trong ảnh: Đội tìm kiếm cứu nạn khiêng thi thể được tìm thấy ở Varzaqan, tỉnh phía Đông Azerbaijan, Iran. (Nguồn: Reuters) |
Trực thăng Bell 212 do Mỹ phát triển từ cuối thập niên 1960 và bán cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Iran trước khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979. Đây là dòng phi cơ được tin dùng trong hoạt động tiếp tế và vận chuyển cho các giàn khoan xa bờ, do nó được chứng nhận đủ khả năng vận hành trong điều kiện thời tiết xấu và có độ tin cậy cao. Trong ảnh: Một phần mảnh vỡ của trực thăng tại hiện trường vụ tai nạn. Dù vậy, dữ liệu thống kê của trang Aviation Safety cho thấy đã có 430 tai nạn liên quan đến dòng Bell 212, trong đó hàng loạt vụ gây chết nhiều người. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 5/8/2021, ông Raisi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Quốc hội Iran. Theo báo Le Monde (Pháp), ông Raisi là nhà lãnh đạo nổi tiếng là người nghiêm khắc. Trong ảnh: Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cuộc hội đàm tại Cung điện Saadabad, Tehran, Iran, ngày 19/7/2022. (Nguồn: AP) |
Trong chính sách đối ngoại, ông Raisi ưu tiên cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, cũng như Trung Quốc và Nga. Ông khéo léo trong việc xử lý các mối quan hệ với nước láng giềng Afghanistan. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo chung ở Cung điện Saadabad, ngày 19/7/2022.(Nguồn: AP) |
Sau vụ tai nạn máy bay ngày 19/5, ngày 20/5, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang đồng thời thông qua việc chỉ định Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber tiếp quản vị trí của ông Raisi còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ali Bagheri Kani làm quyền Bộ trưởng Ngoại giao. Trong ảnh: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Cung điện Miraflores ở Caracas, Venezuela, ngày 12/6/2023. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều nước đồng loạt gửi lời chia buồn tới Lãnh đạo và nhân dân Iran, bao gồm Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Ấn Độ, EU, Malaysia, Sri Lanka, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Syria... Trong khi đó, Lebanon, Pakistan… tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ Tổng thống Iran và đoàn tùy tùng. Trong ảnh: Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif chào đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong chuyến thăm chính thức tới Islamabad, Pakistan, vào ngày 22/4/2024. (Nguồn: Reuters) |