Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU (CAI) dự kiến sẽ chính thức được phê chuẩn vào năm 2022, nhưng cuộc tranh cãi này đẩy thỏa thuận EU-Trung Quốc rơi vào tình trạng không chắc chắn. (Nguồn: SCMP) |
EP bất ngờ cứng rắn
Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu với kết quả áp đảo tán thành việc dừng xem xét thông qua Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU (CAI) và yêu cầu Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mang tính trả đũa mà nước này đã áp đặt đối với các quan chức, nhà ngoại giao, học giả và nhà nghiên cứu của EU.
Lập trường cứng rắn bất ngờ của EU đối với Trung Quốc đã đưa mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu vốn không ổn định gần đây xuống mức thấp.
Hiện có nhiều mối quan tâm liên quan đến việc liệu đây có phải là sự chấm dứt cho CAI hay liệu có hy vọng cho sự phục hồi của thỏa thuận này hay không?
CAI là kết quả của 7 năm đàm phán và các cuộc đàm phán cuối cùng đã kết thúc vào tháng 12/2020. Ở Trung Quốc, thỏa thuận này từng được coi là một "thắng lợi ngoại giao", ngăn châu Âu nghiêng về phía Mỹ. |
Nhưng với sự thay đổi nhà lãnh đạo ở Nhà Trắng và Tổng thống Mỹ Joe Biden gây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc, EU đã đi đầu trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào 4 quan chức và một tổ chức của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương. Để trả đũa, Bắc Kinh đã trừng phạt 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU.
CAI dự kiến sẽ chính thức được phê chuẩn vào năm sau, nhưng cuộc tranh cãi này đẩy thỏa thuận rơi vào tình trạng không chắc chắn.
Bắc Kinh chưa từ bỏ
Trong bối cảnh đối đầu chiến lược đang gia tăng mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Mỹ, địa chính trị trong quan hệ Trung Quốc-EU trở nên ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước châu Á. Bắc Kinh đã hy vọng sử dụng thỏa thuận đầu tư này để thắt chặt quan hệ kinh tế với châu Âu nhằm làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương truyền thống giữa Mỹ và châu Âu.
Còn giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, châu Âu cũng là một nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến quan trọng cho Trung Quốc. Hiện 40% sản phẩm công nghệ cao của quốc gia châu Á dựa vào châu Âu. CAI có thể góp phần tăng cường tính cạnh tranh và tự chủ về công nghệ của Trung Quốc.
Sau các hành động trả đũa giữa hai bên, các quan chức Trung Quốc đã tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên với các nhà lãnh đạo EU nhằm tìm cách giữ ổn định quan hệ hai bên.
Hai ngày trước khi EP "đóng băng" CAI, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi. Ông Lý Khắc Cường khẳng định Bắc Kinh rất coi trọng mối quan hệ với EU và hy vọng hai bên có thể giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau để thúc đẩy việc phê chuẩn CAI.
Mặc dù không thể lật ngược được tình thế, nhưng giọng điệu hiện nay của Trung Quốc đối với châu Âu không quá cứng rắn.
Tham dự Hội nghị An ninh Munich dưới hình thức trực tuyến từ Bắc Kinh ngày 25/5, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có phát biểu lần đầu tiên sau khi CAI bị "đóng băng".
Ông nhấn mạnh Trung Quốc coi EU là một đối tác chứ không phải đối thủ và hợp tác là đường hướng và chủ đề chung của quan hệ song phương.
Điều này báo hiệu rằng Trung Quốc chưa từ bỏ việc cứu vãn quan hệ EU-Trung Quốc. |
Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh rằng, CAI không chỉ mang lại lợi ích cho một phía, và việc tạo ra sự đối lập về chính trị và tách biệt về kinh tế giữa Trung Quốc và châu Âu không nằm trong lợi ích của châu Âu và cũng không thể tồn tại lâu dài.
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã không che giấu sự thất vọng của mình đối với EU. Ông cho biết chưa bao giờ có ý nghĩ rằng EU sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc và Bắc Kinh đã rất bất ngờ khi Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức nước này vì vấn đề Tân Cương.
Những lời bình luận của ông Vương cho thấy, hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thể hiện thiện chí đối với EU và duy trì sự kiên nhẫn chiến lược nhằm đảm bảo cánh cửa để mở cho việc thực hiện thỏa thuận đầu tư này.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là EP sẽ chỉ tái khởi động tiến trình phê chuẩn CAI nếu Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Và vì điều này liên quan đến vấn đề chủ quyền và an ninh của Trung Quốc - vốn là những vấn đề không thể thỏa hiệp nên cả hai bên hầu như không có không gian đàm phán.
Ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã chỉ trích EU "can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc" và tuyên bố rằng quyết định của Bắc Kinh trừng phạt các quan chức của EU là "một phản ứng cần thiết và hợp pháp trước những động thái của EU áp đặt các biện pháp trừng phạt và tìm cách đối đầu".
Điều này một lần nữa cho thấy không có khả năng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với EU.
CAI chưa chắc sẽ "chết yểu"
Tuy nhiên, vì việc EP "đóng băng" thỏa thuận đầu tư này không có tác dụng về mặt pháp lý, nên EU vẫn chưa ủng hộ quyết định đó. Bất chấp tình trạng không chắc chắn này, điều có không có nghĩa là CAI sẽ "chết yểu".
Mặc dù việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và "đóng băng" thỏa thuận đầu tư là cử chỉ mang tính biểu tượng, nhưng EU cũng biết rằng những hành động này không có tác động thực chất.
Một hội nghị đàm phán Hiệp định CAI giữa EU-Trung Quốc, ngày 9/4/2019. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Đồng thời, nếu CAI sụp đổ, EU sẽ mất đi thị trường Trung Quốc, những lợi ích kinh tế của khối, cơ hội để bảo vệ tốt hơn dòng vốn đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ của EU ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đây cũng sẽ là một thử thách đặt ra khi châu Âu lựa chọn giữa việc có thể tách biệt chính trị với kinh tế khi giao thiệp với Bắc Kinh hay không.
Thỏa thuận đầu tư này dường như cũng đem lại nhiều lợi ích cho các nước lớn của EU như Đức, Pháp và Italy. Sự phân chia lợi ích không đồng đều dẫn đến sự khác nhau trong đánh giá của các nước về CAI.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng các nước thiếu thiện chí với Trung Quốc như ba nước Baltic và Cộng hòa Czech có khả năng gây trở ngại cho thỏa thuận đầu tư này.
Với chính sách EU của Trung Quốc vẫn không thay đổi, tiến trình phê chuẩn CAI có thể được tái khởi động hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu những lợi ích và quan điểm bên trong EU có thể được hợp nhất một cách hiệu quả hay không.
"Ánh sáng ở cuối đường hầm" sẽ xuất hiện nếu Trung Quốc và EU có thể tìm ra cách thức để tách biệt các biện pháp trừng phạt mang tính chính trị khỏi thỏa thuận đầu tư này.